Đã hơn 4 năm kể từ ngày bị mở thủ tục phá sản (ngày 25/1/2018) nhưng đến nay Công ty Tân Tạo vẫn không công khai quyết định mở thủ tục phá sản cho các chủ nợ, người mắc nợ, các đối tác của công ty này.
 
 
Theo tài liệu mà VietnamFinance có được, Công ty Cổ phần đầu tư và công nghiệp Tân Tạo (Công ty Tân Tạo, HoSE: ITA) đã bị Tòa án nhân dân TP. HCM ra Quyết định mở thủ tục phá sản số 56/2018/QĐ-MTTPS ngày 25/1/2018 theo đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của Công ty TNHH thương mại dịch vụ xây dựng Quốc Linh (Công ty Quốc Linh). Việc ra quyết định mở thủ tục phá sản của TAND TP. HCM căn cứ theo khoản 1, điều 4 Luật phá sản năm 2014, theo đó “doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán”.
 
Mặc dù quyết định mở thủ tục phá sản số 56/2018/QĐ-MTTPS đã có hiệu lực pháp luật nhưng trải qua hơn 4 năm, Công ty Tân Tạo vẫn không công khai quyết định mở thủ tục phá sản này của Tòa án cho các chủ nợ, ngưởi mắc nợ và các đối tác. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng không hợp tác với tòa án, quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được tòa án chỉ định giải quyết phá sản.
 
Được biết, Công ty Tân Tạo không công bố công khai quyết định mở thủ tục phá sản của Tòa án và không hợp tác với tòa án, quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản là do Công ty Tân Tạo cho rằng bản án xác định số nợ của Công ty Tân Tạo với công ty Quốc Linh mà công ty Quốc Linh căn cứ để yêu cầu mở thủ tục phá sản đã bị Tòa án cấp trên hủy án nên quyết định mở thủ tục phá sản của TAND TP. HCM phải bị đình chỉ.
 
Tuy nhiên, theo tài liệu mà VietnamFinance có được, TAND TP. HCM tại văn bản số 242/TATP-TKT ngày 15/3/2021 trả lời đơn của ông Dương Văn Sương, một chủ nợ đã nộp hồ sơ cho TAND TP. HCM cũng yêu cầu đình chỉ mở thủ tục phá sản đối với Công ty Tân Tạo, đã xác định rõ nội dung: “Hiện tại Công ty Tân Tạo có đang hoạt động hay không; Công ty Quốc Linh có còn là chủ nợ của Công ty Tân Tạo hay không, không phải là căn cứ để đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản theo quy định tại Điều 86 Luật phá sản năm 2014 vì không có tài liệu, chứng cứ chứng minh Công ty Tân Tạo đã giải quyết xong các khoản nợ của các chủ nợ khác (trong đó có ông Dương Văn Sương) và Công ty Tân Tạo không còn mất khả năng thanh toán”.
 
Như vậy, bản án xác định số nợ mà Công ty Quốc Linh dựa vào để mở thủ tục phá sản với Công ty Tân Tạo bị hủy không phải là căn cứ để TAND TP. HCM đình chỉ quyết định mở thủ tục phá sản đối với Công ty Tân Tạo.
 
 
Văn bản TAND TP. HCM trả lời đơn của ông Dương Văn Sương
 
Theo tìm hiểu của VietnamFinance, tại báo cáo tài chính hợp nhất ngày 31/12/2018 của Công ty Tân Tạo đã được kiểm toán bởi Công ty Ernst & Young Việt Nam và được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 của Công ty Tân Tạo xác định tổng nợ phải trả là 2.621.095.621.532 đồng; các khoản phải thu ngắn hạn là 1.951.234.217.981 đồng và các khoản phải thu dài hạn là 2.322.834.993.801 đồng.
 
Tại đại hội này, ban lãnh đạo Công ty Tân Tạo cũng không có bất kỳ báo cáo nào liên quan đến quyết định mở thủ tục phá sản của Tòa án tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông năm 2019. Do sự không hợp tác cung cấp danh sách chủ nợ, người mắc nợ, danh sách tài sản của Công ty Tân Tạo cho tòa án, quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản nên đến nay quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản không thể lập được danh sách người mắc nợ, Bảng kê tài sản theo quy định tại Điều 65, Điều 68 Luật phá sản năm 2014. Trong khi danh sách chủ nợ mới chỉ xác định được nợ thuế của Công ty Tân Tạo với số tiền 28.920.366.640 đồng và một chủ nợ không bảo đảm là ông Dương Văn Sương với số tiền nợ 21.167.199.596 đồng.
 
 
TAND TP. HCM chỉ định ông Chu Minh Đức làm Quản tài viên quản lý, thanh lý tài sản đối với ITA
 
Việc Công ty Tân Tạo hơn 4 năm từ khi có quyết định mở thủ tục phá sản đã không có bất kỳ việc báo cáo nào trong các giao dịch của mình trong khi phát sinh rất nhiều hoạt động như nêu trên sẽ dẫn đến rất nhiều giao dịch được thực hiện trong hơn 4 năm đó phải đối diện nguy cơ bị đình chỉ thực hiện, khôi phục lại tình trạng ban đầu sẽ ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của rất nhiều đối tác, các cá nhân tổ chức có liên quan. Ngoài ra, việc chậm trễ công khai Quyết định mở thủ tục phá sản Công ty Tân Tạo sẽ càng làm phát sinh thêm nhiều thiệt hại cho các đối tác giao dịch với Công ty Tân Tạo và làm phức tạp thêm các vấn đề cần giải quyết.
 
Chính vì tính chất phức tạp của vụ việc nên vừa qua TAND TP. HCM đã chỉ định thêm quản tài viên Chu Minh Đức thuộc Công ty Hợp danh quản lý và thanh lý tài sản Sen Việt (Công ty Sen Việt) làm Quản tài viên quản lý, thanh lý tài sản cho Công ty Cổ phần đầu tư và công nghiệp Tân Tạo theo quyết định số 22/2022/QĐ-CĐ ngày 15/4/2022.
 
Sau khi được TAND TP. HCM chỉ định bổ sung làm Quản tài viên trong giải quyết phá sản Công ty Tân Tạo, Quản tài viên Chu Minh Đức đã có các công văn gửi Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) yêu cầu công bố công khai thông tin mở thủ tục phá sản Công ty Tân Tạo để các nhà đầu tư chứng khoán biết thông tin để thực hiện các quyền của mình trong vai trò cổ đông Công ty Tân Tạo, cũng như để các cơ quan quản lý về chứng khoán thực hiện các công việc liên quan đễn lĩnh vực của mình như: xử phạt Công ty Tân Tạo về hành vi che giấu thông tin; hạn chế giao dịch hoặc hủy niêm yết do Công ty Tân Tạo bị mở thủ tục phá sản phải được đặt dưới sự giám sát của thẩm phán, quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản…
 
Luật sư Vũ Văn Biên cho biết theo quy định tại Khoản 4 Điều 49 Luật phá sản năm 2014 thì các hoạt động nêu trên mà không báo cáo hay không được sự đồng ý của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thì bị đình chỉ thực hiện, khôi phục lại tình trạng ban đầu và giải quyết hậu quả theo quy định pháp luật.
 
Theo luật sư Vũ Văn Biên, việc Công ty Tân Tạo hơn 4 năm từ khi có Quyết định mở thủ tục phá sản đã không có bất kỳ lần báo cáo nào trong các giao dịch của mình, trong khi doanh nghiệp này phát sinh rất nhiều hoạt động, sẽ dẫn đến rất nhiều giao dịch được được thực hiện trong hơn 4 năm qua của Công ty Tân Tạo phải đối diện nguy cơ bị đình chỉ thực hiện, khôi phục lại tình trạng ban đầu. Nếu điều này xảy ra sẽ ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của rất nhiều đối tác, các cá nhân tổ chức có liên quan.
 
Theo quy định tại Điều 47 Luật phá sản năm 2014 thì sau khi có Quyết định mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh nhưng phải chịu sự giám sát của Thẩm phán và Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
 
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 49 Luật phá sản năm 2014 thì các hoạt động trước khi thực hiện phải báo cáo Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản: Hoạt động liên quan đến việc vay, cầm cố, thế chấp, bảo lãnh, mua bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản; bán, chuyển đổi cổ phần; chuyển quyền sở hữu tài sản; Chấm dứt thực hiện hợp đồng có hiệu lực; thanh toán khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản; trả lương cho người lao động trong doanh nghiệp, hợp tác xã.
 
Minh Đức