CTCP Đầu tư Khu công nghiệp Tiên Thanh (công ty thuộc hệ sinh thái của Việt Phát Group) là chủ đầu tư của dự án khu công nghiệp Tiên Thanh gần 4.600 tỷ đồng tại Hải Phòng.
 
 
CTCP Đầu tư Khu công nghiệp Tiên Thanh là chủ đầu tư của dự án khu công nghiệp gần 4.600 tỷ đồng tại Hải Phòng. Ảnh minh họa/internet.
 
Vào ngày 27/5 vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Tiên Thanh.
 
Dự án có quy mô 410,46 ha tại xã Tiên Thanh và xã cấp Tiến, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 4.597,46 tỷ đồng. Chủ đầu tư dự án là CTCP Đầu tư Khu công nghiệp Tiên Thanh.
 
Theo tìm hiểu, CTCP Đầu tư Khu công nghiệp Tiên Thanh được thành lập vào tháng 8/2020, trụ sở tại thôn Ninh Duy, xã Khởi Nghĩa, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của doanh nghiệp là ông Nguyễn Khôi.
 
Bên cạnh pháp nhân trên, ông Khôi hiện đứng tên một số công ty như CTCP Viện Công nghệ Tàu thủy Việt Nam và Công ty TNHH Route INN Việt Nam Hải Phòng.
 
Đặc biệt, ông Khôi cũng đang là thành viên HĐQT độc lập, Chủ tịch Uỷ ban kiểm toán của CTCP Đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Việt Phát (HoSE: VPG). 
 
Tiên Thanh có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: CTCP Xây dựng Bất động sản Việt Phát (Việt Phát Land) góp 650 tỷ đồng (65%), bà Nguyễn Thị Ngọc góp 300 tỷ đồng (30% VĐL) và ông Nguyễn Xuân Trường góp 50 tỷ đồng.
 
Trong đó, Việt Phát Land là doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái VPG, với các cổ đông là VPG góp 15% VĐL, ông Nguyễn Văn Bình (Chủ tịch HĐQT VPG) góp 40% và bà Lê Thị Thanh Lệ (vợ ông Bình) góp 10%.
 
Cập nhật đến tháng 10/2019, Việt Phát Land có vốn điều lệ là 1.985 tỷ đồng.
 
Về phần mình, CTCP Đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Việt Phát được thành lập vào tháng 7/2008 với vốn điều lệ 25 tỷ đồng.
 
Khởi đầu từ một công ty dịch vụ vận tải chuyên vận tải nội địa, VPG đã nhanh chóng vươn lên trở thành một trong những doanh nghiệp phát triển mạnh về sản xuất kinh doanh các nguyên liệu khoáng sản và dịch vụ vận tải nội địa tại Việt Nam.
 
Hiện tại, hoạt động chính của công ty là kinh doanh, xuất nhập khẩu và cung cấp quặng sắt và than cho các nhà máy thép và nhà máy nhiệt điện, cùng với một số dịch vụ như vận tải, kho bãi,…
 
VPG là nhà cung cấp nguyên liệu hàng đầu của nhiều nhà máy thép lớn như Hòa Phát, Gang thép Thái Nguyên, DONGBU, SAMINA,.. và là đối tác cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện của EVN và PVN. Công ty cũng đã mở rộng thị trường nhập khẩu than cốc, quặng sang Nhật Bản, Thụy Sỹ, Singapore với một số đối tác như: Công ty Daichu Corporation, Công ty Glencore International AG, Công ty Noble Resources International PTE LTD…
 
Tính đến tháng 1/2022, VPG có vốn điều lệ hơn 729 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Bình là Chủ tịch HĐQT và đang nắm hơn 17,8 triệu cp VPG.
 
Về kết quả kinh doanh, năm 2021 công ty ghi nhận doanh thu tăng 65,7% so với năm trước đó, đạt 3.864 tỷ đồng, lãi hơn 421 tỷ đồng, gấp 4,8 lần so với mức 88 tỷ đồng năm 2020.
 
Trong cơ cấu doanh thu của công ty, doanh thu bán than cốc đạt 2.214 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ và đóng góp khoảng 57% vào tổng doanh thu. Doanh thu bán quặng sắt tăng hơn gấp 5 lần năm 2020, lên 1.339 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 35% tổng doanh thu. Còn lại là doanh thu từ bất động sản, xây dựng và bán hàng hóa khác.
 
Về kế hoạch năm 2022, VPG đặt mục tiêu đạt 8.621 tỷ đồng doanh thu, gấp 2,2 lần năm 2021; Chỉ tiêu lãi sau thuế 280 tỷ đồng. Dự kiến trả cổ tức tỷ lệ 15%.
 
Trong năm 2022, liên danh VPG – Danka Minerals – SUEK AG đã trúng gói thầu cung cấp nhiên liệu than cho quá trình vận hành thương mại Nhà máy điện Nhiệt điện Sông Hậu 1 với giá trúng thầu lên tới 11.965,3 tỷ đồng.
 
Bên cạnh đó, vào ngày 25/5 mới đây, HĐQT VPG cũng đã thông qua hợp đồng hợp tác với CTCP Thương mại và Đầu tư Công nghệ ECOTECH Việt Nam để đầu tư dự án khu đô thị 1.500 tỷ đồng tại thị trấn Bo, huyện Kim Bôi, Hòa Bình. VPG sẽ góp 585 tỷ đồng, thời gian góp vốn dự kiến từ năm 2022 đến 2024.
 
THANH TRẦN