Ông Vũ Tuấn Phương, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư và Thương mại Vũ Đăng (mã SVD) cho biết, HĐQT Công ty dự kiến xây dựng phương án chi trả cổ tức năm 2021 ở mức 8% bằng tiền mặt để trình ĐHCĐ thường niên 2022 thông qua.
 
SVD hiện có vốn điều lệ 129 tỷ đồng. Năm 2021, Công ty đạt doanh thu 436,4 tỷ đồng, tăng 32% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 11,7 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với năm trước. Báo cáo tài chính của Công ty cho thấy, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến cuối năm 2021 đạt 15,5 tỷ đồng.
 
Năm 2021 được xem là một năm thắng lợi của ngành sợi Việt Nam khi có sự tăng trưởng đột biến cả về khối lượng và kim ngạch xuất khẩu. Mức chênh lệch giữa giá bông và giá sợi lên tới 1,1 – 1,25 USD/kg, các doanh nghiệp sợi đều có lãi và lãi cao.
 
Hiện nay, tồn kho sợi ở Trung Quốc và các nước sản xuất dệt may đã cạn kiệt, cùng với lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm có nguồn gốc từ bông Tân Cương của Mỹ tác động mạnh đến chuỗi cung cầu sợi, khiến nhu cầu sợi tăng cao. Tân Cương là vùng bông lớn nhất của Trung Quốc, nên các doanh nghiệp dệt may Trung Quốc phải tăng tốc nhập khẩu sợi.
 
 
Cùng với đó, các gói kích cầu phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19 của các nước và việc tiêm chủng vắc xin rộng rãi cũng khiến kinh tế thế giới bắt đầu phục hồi, cầu dệt may khởi sắc trở lại sau chuỗi đứt đoạn của năm 2020.
 
Năm 2022, doanh nghiệp xơ sợi có thêm thuận lợi khi từ tháng 10/2021, Bộ Công Thương áp mức thuế chống bán phá giá rất cao đối với sợi nhập khẩu từ các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia và Indonesia. Chính sách này sẽ thúc đẩy tiêu thụ sợi trong nước.
 
Ông Phương cho biết, hiện nhu cầu nhập hàng của Trung Quốc rất cao, chưa kể các doanh nghiệp trong nước cũng đẩy mạnh nhu cầu sử dụng sợi. Với việc đơn hàng làm không xuể, Công ty đang lập dự án xin đất và mở thêm 1 nhà máy mới để gia tăng công suất.
 
Trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/3, cổ phiếu SVD đứng tại mức giá 13.500 đồng/CP.
 
Thủy Nguyễn