Cách giao dịch lạ giúp nhóm chủ không để "lọt" cổ phiếu ra ngoài, đồng thời giúp duy trì mức giá thấp để phục vụ giao dịch thoả thuận. Với kịch bản tương tự tiếp diễn trong 2 phiên gần đây (7-8/12), không loại trừ sẽ tiếp tục có thêm các giao dịch thoả thuận với khối lượng lớn trong thời gian tới.
Ngày 6/12, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Vận tải Hải Minh Hưng đã mua thành công 10.880.324 cổ phiếu PBC của CTCP Dược phẩm Trung ương 1 (Pharbaco), qua đó nâng số cổ phiếu nắm giữ sau khi thực hiện giao dịch là hơn 14.030.000 cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 15,58%.
Trước đó, CTCP Sài Gòn Pharma vào tháng 11/2021 đã đăng ký bán toàn bộ 10.880.324 cổ phiếu PBC.
Cùng ngày Vận tải Hải Minh Hưng nâng tỷ lệ sở hữu, CTCP Vật tư Nông nghiệp Pháp Vân cũng cho biết đã mua vào thành công 5 triệu cổ phiếu PBC, qua đó trở thành cổ đông lớn và nắm 5,56% vốn công ty. Nhiều khả năng lô cổ phần này được trao tay giữa CTCP Đầu tư Thương mại Hương Quê và Pháp Vân. Theo đó, Hương Quê cho biết vào ngày 6/12 đã triệt thoái 5 triệu cổ phiếu PBC.
Sài Gòn Pharma hay Thương mại Hương Quê là các pháp nhân thuộc nhóm của ông Ngô Nhật Phương, trong khi Vận tải Hải Minh Hưng thuộc nhóm Hải Hà Petro của gia đình Chủ tịch HĐQT Pharbaco Trần Tuyết Mai.
Nữ đại gia xăng dầu Thái Bình, như Nhadautu.vn đã đề cập, đã thay thế ông Ngô Nhật Phương ở vị trí Chủ tịch HĐQT Pharbaco từ tháng 11/2020. Con trai bà – ông Tô Thành Hưng đảm nhiệm Tổng giám đốc Pharbaco từ trước đó, tháng 7/2020.
Về phần mình, cổ đông mới của Pharbaco – CTCP Vật tư Nông nghiệp Pháp Vân có phần xa lạ. Theo tìm hiểu, đơn vị này thành lập năm 2004, đóng trụ sở tại phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội. Hiện tại, Người đại diện theo pháp luật, kiêm Tổng giám đốc công ty là bà Lê Thị Thu (SN 1987) – một doanh nhân cũng quê Thái Bình.
Pharbaco gắn liền với hình ảnh của ông Ngô Nhật Phương. Sau khi mua lại phần vốn chi phối từ Nhà nước giai đoạn 2016, doanh nhân quê Lương Tài, Bắc Ninh đã thay đổi mạnh mẽ bộ máy hoạt động, tái cấu trúc doanh nghiệp, đồng thời đầu tư mạnh vào nhà máy mới ở Sóc Sơn, Hà Nội, với tham vọng biến Pharbaco trở thành thương hiệu sản xuất dược phẩm hàng đầu cả nước.
Tuy nhiên, 2 năm trở lại, đặc biệt từ sau khi có liên quan tới vụ án VN Pharma, ông Ngô Nhật Phương dần rút khỏi Pharbaco. Trong nửa cuối năm ngoái, song song với động thái thay đổi 2 vị trí lãnh đạo cao nhất, một loạt doanh nghiệp có liên hệ tới ông Phương đã bán lượng lớn cổ phần PBC cho nhóm Hải Hà Petro.
Tới cuối tháng 9/2021, vốn điều lệ của Pharbaco là 900 tỷ đồng, trừ Tổng công ty Dược Việt Nam (6,3%) và cổ đông khác (9,1%), 84,7% còn lại thuộc về 2 nhóm Hải Hà Petro (27,5%), gồm Công ty TNHH Vận tải Thuỷ bộ Hải Hà (22,2%) và Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Vận tải Hải Minh Hưng (5,3%), trong khi nhóm ông Ngô Nhật Phương, dù không còn điều hành, song vẫn sở hữu phần chi phối (57,1%), gồm CTCP Appollo (37,9%), CTCP Sài Gòn Pharma (12,1%), Công ty TNHH Reliv Pharma (1,5%) và CTCP Đầu tư thương mại Hương Quê (5,6%).
Với động thái sang tay cổ phiếu những ngày qua, tỷ lệ sở hữu của nhóm Hải Hà Petro đã được nâng lên 43,3%, trong khi tỷ lệ của nhóm ông Ngô Nhật Phương giảm về còn 39,4%.
Giao dịch "lạ" của cổ phiếu PBC
Đáng chú ý, động thái giao dịch thoả thuận đi kèm với diễn biến "lạ" của cổ phiếu PBC suốt 2 tuần qua. Với đặc thù giao dịch trên sàn UpCOM, giá bình quân phiên trước được tính làm giá tham chiếu cho phiên liền sau, cổ phiếu PBC được khớp lệnh với giá rất thấp, thậm chí giá sàn, kèm khối lượng lớn ngay từ đầu phiên, ngay sau đó được giật lên giá trần với dư mua lớn.
Trên bảng thống kê, cổ phiếu PBC đã tăng mạnh 8 phiên liên tiếp, trong đó 5 phiên gần đây tăng kịch trần, tuy nhiên giá chốt phiên 8/12 chỉ là 16.100 đồng/CP, còn giảm 15% so với chốt phiên 25/11.
Cách đánh này giúp nhóm chủ không để "lọt" cổ phiếu ra ngoài, đồng thời duy trì mức giá thấp để phục vụ giao dịch thoả thuận. Thực tế, trong phiên 6/12, 15,88 triệu cổ phiếu PBC đã được sang tay thoả thuận với mức giá sàn 10.800 đồng/CP. Với kịch bản tương tự tiếp diễn trong 2 phiên gần đây (7-8/12), không loại trừ sẽ tiếp tục có thêm các giao dịch thoả thuận với khối lượng lớn trong thời gian tới.
Đáng chú ý, Pharbaco hiện đang triển khai phát hành riêng lẻ 20 triệu cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược Hải Hà Petro theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên. Sau khi hoàn tất, đại gia xăng dầu đến từ Thái Bình sẽ tiếp tục gia tăng tỷ lệ sở hữu tại Pharbaco.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản Pharbaco tại ngày 30/9/2021 đạt 2.492,6 tỷ đồng, tăng 19,3% so với số đầu kỳ.
Trong khoản mục tài sản dở dang dài hạn, công ty ghi nhận đã đầu tư dự án xây dựng nhà máy sản xuất dược phẩm tiêu chuẩn GMP EU 2 giai đoạn 1 (1.421,5 tỷ đồng) và giai đoạn 2 (310,6 tỷ đồng). Đây là nhà máy sản xuất dược phẩm tiêu chuẩn GMP EU tại xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội với tổng mức đầu tư dự kiến của 2 giai đoạn là 1.800 tỷ đồng.
Trong 9 tháng đầu năm, Pharbaco đạt doanh thu 666 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái, lãi sau thuế tăng gấp 5 lần lên 33,4 tỷ đồng, và hoàn thành gấp 3 lần kế hoạch cả năm.
TẢ PHÙ