Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group, HoSE: OGC) vừa thông qua nội dung lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản.
Theo đó, công ty thực hiện lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản từ ngày 10/6 đến 14/6 về việc thông qua phương án xử lý đối với các khoản nợ phải thu khó đòi của công ty.
Ocean Group cho biết các khoản nợ phải thu khó đòi của công ty và công ty con đã tồn tại từ năm 2014 đến nay, các khoản nợ này đều liên quan đến thời kỳ của lãnh đạo cũ với tính pháp lý phức tạp, hầu hết các khoản nợ không có tài sản đảm bảo, khó có khả năng thu hồi.
Theo công ty, các khoản thu khó đòi đã được trải qua quá trình thu hồi kéo dài nhiều năm, khó có khả năng thu hồi và cũng không có đối tác quan tâm mua nợ. Các khoản nợ khó đòi này đều đã được trích lập dự phòng 100% từ khi phát sinh năm 2014 tới nay.
Từ đó, công ty đưa ra theo dõi ngoại bảng trên báo cáo tài chính cho năm tài chính kết thúc 31/12/2021 đối với các khoản nợ phải thu khó đòi đã được trích lập dự phòng 100% giá trị là 2.553,2 tỷ đồng. Trong đó, phải thu về cho vay ngắn hạn 1.154,3 tỷ đồng; phải thu ngắn hạn của khách hàng 81,7 tỷ đồng; phải thu ngắn hạn khác 868,7 tỷ đồng; trả trước cho người bán ngắn hạn 168,1 tỷ đồng; và trả trước cho người bán dài hạn 276,8 tỷ đồng.
Trước đó, Ocean Group cũng đã có thông báo về việc bán đấu giá 7 khoản nợ xấu với tổng dư nợ gốc hơn 1.072 tỷ đồng, phát sinh trong giai đoạn 2009-2015.
Các khoản nợ này chủ yếu phát sinh từ các khoản phải thu của tập đoàn với đối tác. Ngoài ra, một số khoản nợ còn phát sinh từ giao dịch cho vay theo diện hỗ trợ vốn, hợp tác ủy thác đầu tư và tạm ứng thực hiện hợp đồng.
Trong 7 khoản nợ này, khoản nợ có giá trị lớn nhất là 380,5 tỷ đồng phát sinh tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Vneco Hà Nội từ năm 2014. Trong khi khoản nợ có giá trị nhỏ nhất là 10 tỷ phát sinh với Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Topcare cùng năm.
Tuy nhiên, trong 7 khoản nợ xấu được Ocean Group mang ra bán đấu giá, duy nhất khoản nợ 270,15 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Bình Dương Xanh có tài sản bảo đảm là 27 triệu cổ phiếu Công ty Gia Phát. Trong khi đó, cả 6 khoản nợ còn lại được Ocean Group rao bán đợt này đều là vay tín chấp.
Với đặc thù nợ xấu không có tài sản đảm bảo, tập đoàn chỉ đưa ra mức giá khởi điểm cho 7 khoản nợ này tương đương 1/10 dư nợ gốc. Như vậy, tổng giá khởi điểm cho 7 khoản nợ xấu này là hơn 107 tỷ đồng, tiền đặt cọc tham gia chào giá/đấu giá là 3 tỷ đồng.
Đáng chú ý, động thái bán nợ kể trên của Ocean Group diễn ra trong bối cảnh tập đoàn này vừa đổi chủ và hàng loạt lãnh đạo mới được bổ nhiệm.
Cụ thể, sau khi tuyên bố kiểm soát 51% vốn Ocean Group, nhóm cổ đông IDS Equity Holdings đã trở thành cổ đông lớn nhất tại Ocean Group.
Trong phiên họp cổ đông mới đây, hầu hết thành viên HĐQT, Ban kiểm soát đương nhiệm của Ocean Group đã từ nhiệm với lý do cá nhân. Thay vào đó, các cá nhân mới được bổ nhiệm thay thế đều là người của IDS Equity Holdings.
Năm 2022, Ocean Group đặt mục tiêu 937 tỷ đồng doanh thu hợp nhất và lãi trước thuế khoảng 51 tỷ đồng.
So với năm 2021, doanh thu kế hoạch năm 2022 của Ocean Group đã tăng 129%, nhưng mục tiêu lợi nhuận lại giảm hơn một nửa.
Bảo Duy