Sau gần 31 năm hình thành và phát triển, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) đã không ngừng lớn mạnh về quy mô và hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, trong giai đoạn 5 năm trở lại đây, Nam A Bank đã vươn lên mạnh mẽ, khẳng định vị thế trên thị trường tài chính. Song song với đó, Nam A Bank gặp phải không ít thăng trầm về đầu tư, kinh doanh, tài chính,… trong đó có nghĩa vụ nợ tiềm ẩn.
 
Trước đó, Thương hiệu và Công luận đăng tải bài viết: “Gam màu sáng – tối mang thương hiệu Nam A Bank – Ngân hàng TMCP Nam Á” liên quan đến hành trình xây dựng và phát triển thương hiệu Nam A Bank. Tình hình kinh doanh, đầu tư và tài chính của thương hiệu Nam A Bank được khách hàng, người tiêu dùng quan tâm hàng đầu. Những năm gần đây, Ngân hàng Nam A Bank gặp phải không ít thăng trầm như: Nợ xấu (nợ khó thanh khoản) tăng lên 80,7% so với đầu kỳ năm 2023, sở hữu khoản nợ xấu hơn 1.670 tỷ đồng tại Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) và ‘sạch’ nợ xấu bằng cách tăng cường trích lập dự phòng… Bài viết đã nhận được sự quan tâm của độc giả.
 
 
Doanh thu tăng trưởng hàng nghìn tỷ đồng nhưng lợi nhuận thấp?
 
Theo báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý II/2023, Nam A Bank ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.537 tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm trước nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 607 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng đầu năm đạt 3.092 tỷ đồng, tăng 32% và lợi nhuận sau thuế đạt 1.216 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2022. 
 
Trong kỳ, Nam A Bank đã trích lập hơn 229,5 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 15,9% và chi phí hoạt động cũng tăng 29,8% (đạt 817 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm trước. 
 
 
Nguồn: BCTC Quý II/2023 của Nam A Bank.
 
Năm 2022, đánh đấu quá trình 30 năm xây dựng và phát triển thương hiệu Nam A Bank với nhiều thăng trầm. Tại BCTC hợp nhất quý IV/2022, Nam A Bank ghi nhận nhiều kết quả kinh doanh tương đối ấn tượng với lợi nhuận sau thuế đạt 1.807 tỷ đồng (tăng 26% so với năm 2021), tổng tài sản hơn 177.578 tỷ đồng (tăng 15,8% so với năm 2021), tổng huy động vốn đạt gần 140.000 tỷ đồng (tăng 9% so với năm 2021),… Thế nhưng, theo dõi kết quả kinh doanh qua các quý trong năm 2022 của Nam A Bank có thể thấy, doanh thu thuần tăng đều nhưng lợi nhuận của ngân hàng này lại không tương xứng.Thậm chí, có những quý, doanh thu thuần đạt gần 1.500 tỷ đồng nhưng lợi nhuận chỉ vỏn vẹn hơn 283 tỷ đồng.
 
Cụ thể, doanh thu thuần của Nam A Bank trong quý I/2022 là 1.097 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 515 tỷ đồng; Quý II/2022 doanh thu thuần đạt hơn 1.241 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt hơn 419 tỷ đồng (thấp hơn quý I/2022 là 96 tỷ đồng); Quý III/2022 ghi nhận doanh thu thuần hơn 1.370 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 546 tỷ đồng; Và quý IV/2022 doanh thu thuần đạt 1.405 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế lại chỉ đạt hơn 283 tỷ đồng – đây cũng là quý có lợi nhuận thấp nhất của Nam A Bank trong năm 2022.
 
Gần đây nhất, quý I/2023 doanh thu thuần đạt hơn 1.554 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế cũng chỉ đạt hơn 609 tỷ đồng.
 
 
Ngoài ra, trong cơ cấu lãi năm 2022 của Nam A Bank ghi nhận sự tăng trưởng dương ở nhiều mảng. Đi kèm theo đó là chi phí hoạt động cũng tăng theo. Cụ thể, mảng hoạt động dịch vụ của Nam A Bank đạt 274,8 tỷ đồng trong năm 2022, riêng quý IV/2022 mảng này đem lại cho Nam A Bank lợi nhuận hơn 62,8 tỷ đồng.
 
Mặc dù vậy, chi phí dành cho mảng hoạt động dịch vụ của Nam A Bank lại tăng đột biến và tăng trưởng trưởng lợi nhuận chưa tương xứng với chi phí bỏ ra. Đơn cử, so sánh tại quý IV/2021, Nam A Bank ghi nhận 20 tỷ đồng mảng chi phí hoạt động dịch vụ nhưng đem về khoản lãi thuần lên tới gần 73 tỷ đồng. Thế nhưng, tại quý IV/2022, Nam A Bank ghi nhận hơn 52 tỷ đồng chi phí hoạt động dịch vụ nhưng đem về lợi nhuận thuần có gần 63 tỷ đồng (giảm 9 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái).
 
Cùng với đó, trong năm 2022 lãi thuần từ chứng khoán đầu tư của Nam A Bank cũng báo giảm 56% so với năm trước xuống 119 tỷ đồng.
 
 
Nguồn: BCTC hợp nhất Quý IV/2021 và Quý IV/2022 tại Nam A Bank.
 
 Xử lý nợ khó thanh khoản ngân hàng Nam A Bank 
 
Tại thời điểm cuối năm 2017, Nam A Bank ghi nhận 2.400 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành, tương đương 6,6% tổng dư nợ cho vay. Năm 2018, giá trị trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành chỉ còn hơn 58 tỷ đồng.
 
Tuy nhiên, năm 2019, Nam A Bank đã mua lại các khoản nợ đã bán cho VAMC với tổng giá trị nợ gốc là 181 tỷ đồng, tương ứng tổng mệnh giá trái phiếu VAMC là 168 tỷ đồng và đã sử dụng số tiền trích lập dự phòng xử lý rủi ro các khoản nợ được mua lại này, để xóa hoàn toàn số nợ xấu tại VAMC. Như vậy, tại thời điểm 31/12/2019, Ngân hàng TMCP Nam Á “sạch” nợ xấu tại VAMC.
 
Đáng chú ý, vào cuối năm 2020, Nam A Bank lại tăng cường bán nợ xấu cho VAMC. Cụ thể hơn, năm 2020, Nam A Bank ghi nhận 1.950 tỷ đồng Trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành, bằng 2,19% tổng dư nợ tín dụng.
 
Đến thời điểm hiện tại, tại BCTC Soát xét 6 tháng đầu năm 2023, Nam A Bank ghi nhận hơn 883,5 tỷ đồng giá trị trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành (trong đó có hơn 1.670,3 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu đặc biệt và đơn vị đã trích lập hơn 786,8 tỷ đồng dự phòng trái phiếu đặc biệt).
 
VAMC mua nợ xấu thông qua hình thức phát hành trái phiếu với lãi suất 0% để hoán đổi và chính Ngân hàng TMCP Nam Á phải trích lập dự phòng cho số trái phiếu này. Đến kỳ đáo hạn, nếu VAMC vẫn không xử lý, không bán được nợ xấu, để trả tiền cho số trái phiếu Nam A Bank đã mua thì khoản nợ được xử lý bằng chính số tiền Nam A Bank trích lập dự phòng. Như vậy, xét về bản chất, Nam A Bank vẫn phải chịu trách nhiệm khoản nợ đã bán cho VAMC và đơn vị này chỉ thông qua VAMC để giãn nợ, đưa các khoản nợ xấu rời bảng cân đối kế toán, tạo ra những tỷ lệ nợ xấu đẹp. Và sau đó, đơn vị này sẽ “làm sạch” nó bằng số tiền trích lập dự phòng.
 
 
Nguồn: BCTC tại Nam A Bank.
 
Còn hơn 12.000 tỷ đồng nghĩa vụ nợ tiềm ẩn
 
Trước đó, theo BCTC soát xét 6 tháng đầu năm 2023, tổng nợ khó thanh khoản (nợ xấu) tại Nam A Bank tính đến 30/6/2023 tăng 80,7% lên hơn 3.515 tỷ đồng, kéo tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,62% hồi đầu năm lên mức 2,72% tại thời điểm 30/06/2023. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng gấp 10,46 lần đạt 1.380,9 tỷ đồng; Nợ nghi ngờ tăng 159,7% đạt 616,4 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn nhích nhẹ lên 3,6% đạt 1.518 tỷ đồng.
 
Thực tế, tỷ lệ nợ xấu tại ngân hàng chỉ phản án phần nợ xấu hiện rõ và được ghi nhận trong bản cân đối kế toán. Vì vậy, nếu tính cả những phẩn nợ “tiềm ẩn” chưa được ghi nhận, thì tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng chắc chắn sẽ có thay đổi.
 
Tại các ngân hàng thương mại, chỉ tiêu ngoại bảng trong báo cáo tài chính là các cam kết giao dịch hối đoái và nghĩa vụ nợ tiềm ẩn. Các cam kết giao dịch hối đoái chủ yếu là các hợp đồng phái sinh nên rủi ro thấp. Còn nghĩa vụ nợ tiềm ẩn bao gồm cam kết bảo lãnh vay vốn, cam kết trong nghiệp vụ L/C (bảo lãnh qua thư tín dụng) và cam kết trong bảo lãnh khác như thanh toán, thực hiện hợp đồng, dự thầu… Trong đó, cam kết trong nghiệp vụ L/C nhìn chung có tính an toàn cao hơn so với các khoản bảo lãnh vay vốn hay các khoản bảo lãnh khác.
 
Quay trở lại với Nam A Bank, theo BCTC soát xét 6 tháng đầu năm 2023, tính đến cuối quý 2/2023, nghĩa vụ nợ tiềm ẩn tại Nam A Bank ghi nhận hơn 12.017 tỷ đồng, tăng 36% so với hồi cuối năm 2022, tương đương tăng thêm 3.178 tỷ đồng trong 6 tháng.
 
Trong đó, cam kết trong nghiệp vụ L/C (thư tín dụng) giảm 18,5% xuống còn hơn 6.477 tỷ đồng và đặc biệt, bảo lãnh khác chiếm áp đảo lên tới hơn 5.539 tỷ đồng, tăng gấp 6,25 lần so với hồi cuối năm 2022 (đạt 885,8 tỷ đồng)
 
Hơn nữa, khả năng gặp rủi ro của Nam A Bank là khá cao khi “Nợ tiềm ẩn/cho vay khách hàng” chiếm đến 9,4%. Năm 2019, nghĩa vụ nợ tiềm ẩn chỉ ở mức hơn 1.254 tỷ đồng, sau hơn 3 năm, con số này đã tăng tới 858% (gấp 9,58 lần), ghi nhận hơn 12.017 tỷ đồng.
 
Thực tế, ngoài trái phiếu, nghĩa vụ nợ tiềm ẩn tại các ngân hàng cũng là vấn đề nhức nhối.
 
 
Tổng nghĩa vụ nợ tiềm ẩn tại TPBank hơn 43.000 tỷ đồng (nguồn: Báo cáo tài chính Soát xét 6 tháng đầu năm 2023)
 
 
 
Chưa đầy 5 năm, nghĩa vụ nợ tiềm ẩn tại Nam A Bank đã tăng đến chóng mặt.
 
 
Mặc dù, việc quản lý dư nợ cho vay hiện nay đã được đẩy mạnh kiểm soát, song rủi ro từ các nghĩa vụ nợ tiềm ẩn của nhóm ngân hàng thương mại vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Chẳng hạn như, nghiệp vụ bảo lãnh thanh toán hay bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ khác, hoàn cảnh kinh doanh khó khăn như hiện nay có thể đẩy nhiều doanh nghiệp đến việc vi phạm thỏa thuận. Lúc này ngân hàng sẽ phải đứng ra thực hiện nghĩa vụ với bên được bảo lãnh và các nghĩa vụ nợ tiềm ẩn sẽ trở thành nghĩa vụ nợ thực sự. Không những vậy, nguy cơ trở thành nợ xấu đối với các khoản nợ này cũng rất cao.
 
Đáng nói, các khoản cam kết ngoại bảng hiện vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro theo quy định của Ngân hàng nhà nước. Tuy nhiên, thực tế lâu nay cho thấy vì đây là khoản mục ngoại bảng nên thông tin chi tiết về bản chất và việc trích lập dự phòng chưa rõ ràng. Điều này càng khiến lo ngại tăng cao trong bối cảnh hiện nay là hoàn toàn có cơ sở.
 
Chính vì vậy, khi đánh giá rủi ro của một ngân hàng cần xem xét thêm phần chỉ tiêu ngoại bảng. Bởi rủi ro lớn nhất đối với các nhà băng không chỉ nằm ở số nợ xấu có thể “nhìn thấy” trên bảng cân đối kế toán, mà ở chính các nghĩa vụ nợ tiềm ẩn có thể sẽ trở thành nghĩa vụ nợ thực sự.
 
Chúng tôi thực hiện bài viết này với mong muốn thương hiệu Nam A Bank luôn là thương hiệu mang lại những sản phẩm uy tín, chất lượng cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và ngày càng phát triển bền vững.
 
Thương hiệu Nam A Bank thuộc Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Á, được thành lập ngày 21/10/1992, có trụ sở chính tại số 201-203 Cách Mạng Tháng Tám, Phường 04, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh do ông Trần Ngô Phúc Vũ làm Chủ tịch HĐQT và ông Trần Ngọc Tâm làm Tổng Giám đốc.
 
Hiện, ban lãnh đạo Nam A Bank gồm: Ông Trần Ngô Phúc Vũ giữ chức Chủ tịch HĐQT Nam Á Bank. Ông Trần Ngọc Tâm và bà Võ Thị Tuyết Nga giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT; Ban điều hành gồm: Tổng Giám đốc là Trần Ngọc Tâm và 7 Phó Tổng Giám đốc khác.
 
 
Tổng giám đốc Nam A Bank Trần Ngọc Tâm phát biểu tại đại hội cổ đông năm 2021
 
Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Ngân hàng Nam A Bank phát biểu tại đại hội cổ đông năm 2021.
Trong hành trình xây dựng và phát triển thương hiệu, Nam A Bank từng có thời kỳ sóng gió khi vướng vào lùm xùm tranh chấp tài sản trong nội bộ. Theo đó, vào năm 2016, ông Nguyễn Quốc Toàn là con trai của cố doanh nhân Tư Hường và ông Nguyễn Chấn – giữ chức Chủ tịch HĐQT Nam A Bank. Còn ông Nguyễn Quốc Mỹ (em trai ông Toàn) làm Phó Chủ tịch HĐQT.
 
Năm 2019, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C01) có công văn gửi Ngân hàng TMCP Nam Á về việc C01 đang thực hiện điều tra vụ án “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” liên quan đến tài sản bị chiếm đoạt là cổ phần, cổ phiếu tại Nam A Bank. Đầu năm 2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự đối với vụ án “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” nêu trên.
 
Năm 2022, hai con trai của cố doanh nhân Tư Hường rời ban lãnh đạo Nam A Bank. Theo đó, ông Nguyễn Quốc Toàn và ông Nguyễn Quốc Mỹ đều không tham gia HĐQT mới của Nam A Bank.
 
Thái Bình – Minh An