Doanh thu giảm đến hơn 80%, 800 tỷ đồng hàng tồn kho bị treo
 
Gilimex (HoSE: GIL) hoạt động trong lĩnh vực dệt may với các sản phẩm làm từ vải như hộp lưu trữ, giỏ đựng đồ giặt, balo, túi xách, vải không dệt, tấm nhựa polypropylene… Sản phẩm của công ty chủ yếu xuất khẩu sang châu Á, châu Âu và châu Mỹ.
 
Trong bối cảnh hầu hết doanh nghiệp đều chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 thì Gilimex lại thăng hoa, doanh thu và lợi nhuận cùng tăng trưởng mạnh giai đoạn 2020-2021. Tuy nhiên, sang đến quý III/2022, doanh thu đột ngột lao dốc. Nửa cuối năm 2022, doanh thu công ty dệt may giảm đến 77% so với cùng kỳ năm trước và giảm 82,4% so với nửa đầu năm. Nhờ hoạt động thanh lý khoản đầu tư vào công ty liên kết (Dệt may Gia Định) mà công ty vẫn có lãi. Sang đến quý I, kết hợp với bối cảnh nền kinh tế suy yếu chung, doanh thu Gilimex tiếp tục giảm 88% so với mức đỉnh quý I/2022 về 157 tỷ đồng. Công ty báo lỗ kỷ lục 38 tỷ đồng, lần gần nhất báo lỗ là quý IV/2016 với 6,6 tỷ đồng.
 
Nguyên nhân là do khách hàng lớn nhất Amazon Robitics LLC (Amazon) – gã khổng lồ thương mại điện tử toàn cầu đột ngột thu hẹp đơn hàng trong bối cảnh lạm phát tăng cao, nhu cầu yếu đi. VCBS cho biết Amazon chiếm đến 85% doanh thu của Gilimex, 15% còn lại đến từ IKEA và các khách hàng khác.
 
Tại thời điểm cuối năm 2022, lượng hàng tồn kho của công ty dệt may tăng mạnh 67% lên 1.254 tỷ đồng và duy trì cho đến hết quý I năm nay. Ông Cường cho biết có khoảng 800 tỷ đồng hàng đặc trưng chỉ bán cho Amazon với 90% là thành phẩm, các nguyên vật liệu đi kèm khoảng 5 – 10%.
 
Theo Bloomberg, Amazon là đối tác chính của Gilimex từ 2014. Trong giai đoạn dịch bệnh, thương mại điện tử bùng nổ, doanh nghiệp này đã đầu tư hàng chục triệu USD vào các cơ sở sản xuất nhằm xây dựng kho chứa hàng hóa cho Amazon, tuyển dụng hơn 7.000 nhân viên tại nhiều nhà máy để sản xuất hơn 1 triệu đơn vị lưu trữ mỗi năm. Năng lực sản xuất cho Amazon cũng tăng gấp 20 lần trong 8 năm. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu của gã khổng lồ thương mại điện tử, Gilimex đã từ chối các khách hàng lớn khác như IKEA, Columbia Soprtswear và di đời các cơ sản sản xuất, đóng gói để tiếp tục sản xuất.
Cuối năm trước, Gilimex thông báo đã khởi kiện Amazon đòi bồi thường 280 triệu USD. Tại kỳ họp ĐHCĐ thường niên 2023 diễn ra cuối tháng 4, ông Nguyễn Việt Cường, Thành viên HĐQT chia sẻ hồ sơ kiện đã qua được bước quan trọng nhất trong quá trình khởi kiện là thụ lý, tức vụ kiện này là có cơ sở. Ban lãnh đạo kỳ vọng vụ việc cũng như lượng hàng tồn kho khoảng 800 tỷ đồng được giải quyết dứt điểm trong năm nay.
 
 
Nỗ lực tìm lại khách hàng
 
Gilimex có 2 mảng kinh doanh chính là sản xuất và khu công nghiệp. Việc bỏ khách hàng khác để phục vụ Amazon đã khiến Gilimex phải trả giá, song ban lãnh đạo xác định mảng sản xuất vẫn duy trì phát triển vì đây là mảng truyền thống. Doanh nghiệp đang lỗ lực để tìm kiếm khách hàng bù đắp. Ông Cường cho biết đã bổ sung được khách hàng mới với đơn hàng trial (thử) lên đến 10 triệu USD. Theo đó, doanh thu sản xuất năm nay ước đạt 45 triệu USD, bằng 36% năm 2022 và bằng 26% năm 2021. Khách hàng mới dự kiến đóng góp khoảng 30% trên tổng doanh thu.
 
Năm nay, Gilimex đặt mục tiêu doanh thu 1.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 103,5 tỷ đồng. Lãnh đạo Gilimex cũng bày tỏ mục tiêu hiện nay là bảo toàn vốn và có lợi nhuận dương, không đặt kỳ vọng có lợi nhuận như lúc làm việc với Amazon. Việc phát triển khách hàng đòi hỏi 1 – 3 năm, bắt đầu từ đơn hàng trial (thử) sau đó mới tăng dần. Tương tự với Amazon, công ty cũng có đơn hàng trial năm đầu tiên 400.000 USD nhưng sau đó tăng lên 100 triệu USD.
 
Với mảng bất động sản khu công nghiệp, ban lãnh đạo cho biết vẫn tiếp tục định hướng sở hữu ít nhất 3 khu công nghiệp tại Bắc – Trung – Nam. Hiện, khu công nghiệp miền Trung và miền Nam đã có chấp thuận Thủ tướng Chính phủ, khu công nghiệp tại miền Bắc vẫn đang trong quá trình hoàn tiện hồ sơ và dự kiến năm 2024 sẽ có chấp thuận chủ trương củ Thủ tướng Chính phủ.
 
Lãnh đạo doanh nghiệp tiết lộ bắt đầu từ năm nay đã có thể ghi nhận doanh thu và lợi nhuận từ mảng khu công nghiệp, dự kiến quý IV. Khu công nghiệp Phú Bài (Huế) quy mô gần 461 ha với tổng đầu tư 2.614 tỷ đồng, khu A đã sãn sàng để bán, khu B dự kiến hoàn tất khu vực xử lý nước thải năm nay và đến 2024 đủ điều kiện bán. Giá thuê từ 70$ đến 90$ tùy vị trí và giá thay đổi theo từng thời điểm.
 
Khu công nghiệp Vĩnh Long đang tập trung đền bù giải phóng mặt bằng và dự kiến khởi công vào quý IV/2023. Từ năm 2024, có thể tiến hành thu hút hành đầu tư thứ cấp đầu tư vào khu công nghiệp. Quy mô dự án 400 ha, phân kỳ thứ nhất là 255 ha đang thực hiện, phân kỳ thứ 2 là 145 ha sẽ thực hiện những năm tiếp theo.
 
Thành viên HĐQT Gilimex cũng chia sẻ bối cảnh thị trường cho thuê khu công nghiệp hiện nay khá ảm đạm, cuối quý I có tín hiệu lạc quan khi đã có khách hàng hỏi thuê, kỳ vọng đến quý IV sẽ có những khách hàng lớn. Ban lãnh đạo đặt mục tiêu bán hết 460 ha khu công nghiệp Phú Bài trong vòng 3 năm.
Với mảng dịch vụ phục vụ khu công nghiệp, công ty tiếp tục đầu tư vào nhà xưởng cho thuê, kho cho thuê, dịch vụ logistics để tăng giá trị cho chuỗi khu công nghiệp, song dừng làm chuỗi khách sạn phục vụ cho khu công nghiệp do kinh tế suy thoái.
 
Năm ngoái, công ty đã đầu tư 126 tỷ đồng góp vốn vào Công ty cổ phần Đầu tư Mỹ Khang và Công ty cổ phần Bất động sản Hưng Khang. Ngân sách đầu tư phát triển năm nay khoảng 800 – 1.000 tỷ đồng. Vay ngân hàng tài trợ vốn hoạt động 1.500 tỷ đồng.
 
Tính đến cuối quý I, doanh nghiệp còn 295 tỷ đồng tiền và tương đương tiền và 847 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn trên 3 tháng. Tổng tiền đạt 1.142 tỷ đồng, chiếm gần 34% tổng tài sản. Trong khi đó, nợ vay ngắn hạn 208 tỷ đồng và vay dài hạn 144 tỷ đồng. 
 
GÃ ĐẦU TƯ