Cổ phiếu ASM của Tập đoàn Sao Mai gần như không mấy ảnh hưởng trong 2 tuần điều chỉnh vừa qua của thị trường. Diễn biến tích lũy trong ngắn hạn sẽ là bước đệm để cổ phiếu này lập kỷ lục giá mới khi thị trường ổn định.
 
Tăng 11% trong tuần điều chỉnh thứ 2 của thị trường
 
Trái với diễn biến điều chỉnh khá xấu của thị trường, ASM trong tuần giao dịch vừa qua vẫn tăng 11,1%, từ mức giá 21.500 đồng/cổ phiếu lên 23.900 đồng/cổ phiếu.

 
Đây được xem là một trong những trường hợp hiếm hoi giúp nhà đầu tư tránh "bão" khi các chỉ số có tới 2 tuần điều chỉnh liên tiếp.
 
Nhà đầu tư nếu kiên nhẫn không bán ra ASM trong tuần trước đó thì đều bảo toàn được tài sản hoặc thua lỗ không đáng kể khi cổ phiếu bật về ngay sát vùng nền đang tích lũy tại đỉnh thời đại.
 
Với trạng thái tâm lý chung đang khá bất ổn, việc đòi hỏi ASM phải tiếp tục bứt phá vào lúc này là điều không thực tế. Cổ phiếu vẫn sẽ phải đối diện với lực bán của nhiều nhà đầu tư khi đang phải thua lỗ ở các cổ phiếu khác.
 
Đây chính là nguyên nhân khiến cho các phiên giao dịch cuối tuần trước không chốt được mức giá đóng cửa cao nhất phiên. Do đó, một sự giằng co tạm thời tại vùng giá 24.000 đồng/cổ phiếu đi kèm với trạng thái thanh khoản thu hẹp dần sẽ là vận động lý tưởng cho ASM.
 
Khi đó, cổ phiếu này hoàn toàn có thể sẽ được dòng tiền chú ý hơn khi tâm lý chung đã được ổn định và khả năng lập các kỷ lục mới sẽ lại rộng mở.
 
Năm 2022 được dự báo tăng trưởng lợi nhuận 16%
 
ASM là tập đoàn đa ngành lớn tại Việt Nam với doanh thu thuần năm 2021 đạt 11.398 tỷ đồng (-9% so cùng kỳ) chủ yếu đến từ thương mại cá tra và phụ phẩm cá tra (88%), năng lượng mặt trời (5%) và bất động sản (5%) và du lịch.
 
Tuy doanh thu thuần của ASM 2021 giảm nhẹ do các tác động của COVID-19, tập đoàn vẫn đạt lợi nhuận ròng 600 tỷ đồng, tăng 26,3% so cùng kỳ nhờ giá cá tra và phụ phẩm cá tra xuất khẩu tăng mạnh khi các thị trường xuất khẩu Nam Mỹ và Châu Á phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch.
 
Năm 2022 được đánh giá tiếp tục là một năm thuận lợi cho ASM khi các mảng kinh doanh chính đều có tăng trưởng tốt. Cá tra và phụ phẩm cá tra sẽ tiếp tục tăng tốc nhờ được hưởng lợi trực tiếp từ chiến tranh Nga – Ukraine khi mà các lệnh cấm vận từ Mỹ, Châu Âu lên Nga trong gia đoạn hậu chiến được dự báo sẽ làm cho nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm cá thịt trắng từ các nguồn ngoài Nga trong đó có Việt Nam tăng lên.
 
Bên cạnh cá tra, mảng điện mặt trời và du lịch của ASM sẽ có sự phục hồi tốt nhờ nhu cầu điện của các khu công nghiệp và nhu cầu du lịch nội địa bật tăng mạnh từ mức thấp 2021 khi COVID-19 đang dần được coi là bệnh đặc hữu.
 
CTCK Mirae Asset Việt Nam (MAS) dự phóng năm 2022 mảng cá tra của ASM có thể đạt mức tăng trưởng doanh thu thuần 18%, lên 11.841 tỷ đồng nhờ giá xuất khẩu cao được duy trì cả năm 2022 so với 6 tháng cuối năm 2021.
 
Bên cạnh đó, doanh thu từ khách sạn, du lịch được dự báo tăng 120% lên 243 tỷ đồng từ mức thấp 2021 còn điện mặt trời kỳ vọng mang về 714 tỷ đồng, tăng 20% nhờ nhu cầu điện tại các khu công nghiệp phục hồi từ mức thấp 2021.
 
Nguồn: MAS
 
Như vậy, doanh thu thuần 2022 ASM được kỳ vọng đạt 13.522 tỷ đồng, tăng 18,6%. LNST 2022 dự phóng đạt 816 tỷ đồng, tăng 16%. EPS pha loãng được MAS dự phóng đạt 2.069 đồng/cổ phiếu.
 
Mai Hương