Nhiều doanh nghiệp có kế hoạch chia thưởng cao như FPT Online, Chứng khoán Bản Việt, Haxaco.
Cổ phiếu VLC, DSC, NGC tăng mạnh sau thông tin M&A, tăng vốn khủng.
Đô thị Kinh Bắc hé hộ kế hoạch kinh doanh 2021 tham vọng lợi nhuận 2.000 tỷ đồng.
 
Tháng 4 hàng năm là dịp cao điểm doanh nghiệp tổ chức ĐHĐCĐ thường niên. Qua đó, ban lãnh đạo doanh nghiệp sẽ hé lộ quyết sách, chiến lươc kinh doanh quan trọng trong thời gian tới, cùng các khoản chia cổ tức, thưởng cổ phiếu. Do vậy, những thông tin liên quan đến kỳ họp ĐHĐCĐ luôn được các nhà đầu tư quan tâm sát sao và giá cổ phiếu cũng biến động theo.
 
Tính đến hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp công bố tài liệu và tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2021. Theo đó, những khoản cổ tức cao, kế hoạch tăng vốn khủng hay thương vụ M&A được hé lộ.
 
Mùa đại hội cổ đông thường niên 2021 đang đến rất gần.
 
"Nóng" chuyện M&A, tăng vốn khủng
 
Cuối tuần vừa qua, 3 doanh nghiệp dòng họ nhà Vinamilk (HoSE: VNM) đã liên tiếp tổ chức ĐHĐCĐ thường niên gồm GTNfoods, Vilico và Mộc Châu Milk. Trong đó, vấn đề sáp nhập "ngược" GTNfoods (HoSE: GTN) – công ty mẹ vào Vilico (UPCoM: VLC) – công ty con được xem là thông tin nhận được nhiều ý kiến đóng góp của nhà đầu tư.
 
Cụ thể, với mục tiêu tập trung và tối đa hóa nguồn lực, ban lãnh đạo Vinamilk đã quyết định thực hiện sáp nhận GTNfoods vào Vilico theo tỷ lệ 1,6 cổ phiếu GTN đổi 1 cổ phiếu VLC. GTNfoods sẽ chấm dứt tồn tại, hủy niêm yết cổ phiếu trong khi Vilico tăng vốn và định hướng trở thành đơn vị lớn trong lĩnh vực chăn nuôi bò thịt.
 
Trước thông tin này, cổ phiếu VLC đã có bước tăng giá mạnh từ vùng 34.000 đồng/cp lên 42.500 đồng/cp, hiện giảm về 37.500 đồng/cp. Còn cổ phiếu GTN tăng nhẹ từ 25.000 đồng/cp lên 27.500 đồng/cp, hiện giảm về 22.400 đồng/cp.
 
Chứng khoán Đà Nẵng (UPCoM: DSC) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2021 vào giữa tháng 3 đã tiết lộ kế hoạch chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược tăng vốn từ 60 tỷ lên 1.000 tỷ đồng. Đồng thời, doanh nghiệp đổi trụ sở chính từ quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) đến quận Cầu Giấy (Hà Nội) và bổ sung các nghiệp vụ kinh doanh mới như tự doanh, bảo lãnh phát hành chứng khoán.
 
Từ sau cuộc họp này, cổ phiếu DSC tăng một mạch từ vùng giá 9.000 đồng/cp lên 20.600 đồng/cp, gấp 2,3 lần.
 
Công ty chế biến Thủy sản Xuất khẩu Ngô Quyền (Ngoprexco, HNX: NGC) mới đây đã công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên với nhiều chuyển động mới. Trong đó, HĐQT trình kế hoạch phát hành riêng lẻ 10 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược, tăng vốn từ 100 tỷ đồng lên 123 tỷ đồng, gấp 5,3 lần hiện tại.
 
Ngoài ra, ban lãnh đạo bổ sung lĩnh vực kinh doanh thức ăn thủy sản, nuôi trồng thủy sản và kinh doanh bất động sản. Cùng với chuyển động lớn trên thì HĐQT trình chỉ tiêu kinh doanh tham vọng doanh thu 453 tỷ và lợi nhuận 41 tỷ đồng. Trong khi năm 2020, doanh thu ghi nhận 18 tỷ và lỗ 17 tỷ đồng.
 
Đơn vị: tỷ đồng
 
Cổ phiếu NGC đi ngang quanh vùng giá 4.000 đồng/cp thì bất ngờ bật tăng trần 3 phiên gần đây sau khi tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên được công bố lên giá 5.200 đồng/cp.
 
VNDirect (HoSE: VND) trình phương án chào bán tối đa 220 triệu cổ phiếu mới cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1, tăng vốn gấp đôi lên 4.400 tỷ đồng. 
 
Chốt cổ tức 2020, kế hoạch kinh doanh 2021
 
Bên cạnh thông tin liên quan kế hoạch tăng vốn thì giới đầu tư cũng rất ngóng trông việc doanh nghiệp chốt tỷ lệ chia cổ tức năm 2020 cùng kế hoạch chia thưởng khác.
 
Có truyền thống chia cổ tức "khủng", năm 2020 FPT Online (UPCoM: FOC) tiếp tục không khiến nhà đầu tư thất vọng. Mặc dù hoạt động kinh doanh chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, HĐQT vẫn quyết định chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 200%, 1 cổ phiếu trả 20.000 đồng/cp. Tỷ lệ này cao hơn so với con số 150% tiền mặt và 25% cổ phiếu của năm 2019.
 
Cổ phiếu FOC cũng đã tăng giá mạnh từ vùng 100.000 đồng/cp lên 150.000 đồng/cp từ đầu tháng 3.
 
Về hoạt động kinh doanh, ban lãnh đạo kỳ vọng tăng trưởng trở lại sau năm 2020 suy giảm vì ảnh hưởng Covid-19. Cụ thể, kế hoạch kinh doanh năm 2021 của FPT Online là doanh thu 700 tỷ đồng, tăng 16,8%; lợi nhuận trước thuế 310 tỷ đồng, tăng 21%. 
 
Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên, HĐQT Chứng khoán Bản Việt (HoSE: VCI) dự kiến trình phương án chia cổ tức tiền mặt năm 2020 tỷ lệ 30% bằng tiền mặt, tương đương giá trị thanh toán 496 tỷ đồng. Cùng với đó, doanh nghiệp sẽ phát hành 166,5 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 1:1 từ nguồn vốn chủ sở hữu để tăng vốn điều lệ gấp đôi lên 3.330 tỷ đồng.
 
Về kế hoạch kinh doanh, HĐQT VCI đề xuất doanh thu hoạt động 2.050 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.250 tỷ đồng; lần lượt tăng 18% và 31% so với năm trước.
 
Sau năm lãi kỷ lục, ban lãnh đạo Haxaco (HoSE: HAX) quyết định chia cổ tức tỷ lệ 30%, tương đương giá trị 110 tỷ đồng, hình thức tiền mặt hay cổ phiếu do cổ đông quyết định. Trong 2 năm gần đây, doanh nghiệp chủ yếu chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 15% vốn điều lệ.
 
Tuy nhiên, Haxaco lên kế hoạch đi lùi cho năm 2021 với lợi nhuận trước thuế công ty mẹ đạt 126 tỷ đồng, giảm 20% so với thực hiện 2020. Chia cổ tức tỷ lệ 15%, giảm phân nửa so với thực hiện 2020. 
 
Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) mới đây công bố những nội dung dự kiến trình ĐHĐCĐ thường niên năm 2021. Trong đó, HĐQT trình phương án chia cổ tức tỷ lệ 35% gồm 5% tiền mặt và 30% cổ phiếu. Thời gian thực hiện quý II – III. Tỷ lệ cổ tức này cao hơn nhiều so với mức chia năm 2019 là 25% và mức kế hoạch đề ra là 20% tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên năm trước.
 
Đồng thời, kế hoạch kinh doanh năm 2021 của Hòa Phát cũng rất tham vọng, doanh thu 120.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 18.000 tỷ đồng; cùng tăng 33% so với thực hiện năm trước.
 
Nhiều doanh nghiệp khác có tỷ lệ chia cổ tức khá hấp dẫn như HĐQT Masan Consumer (UPCoM: MCH) trình phương án chia cổ tức tỷ lệ 45%, FPT (HoSE: FPT) trả cổ tức tiền mặt 20% và thưởng cổ phiếu tỷ lệ 15%.
 
Không tiết lộ kế hoạch chia cổ tức hay tăng vốn, Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HoSE: KBC) gây chú ý với kế hoạch kinh doanh tham vọng với doanh thu hợp nhất năm 2021 ở mức 6.600 tỷ đồng, lãi sau thuế 2.000 tỷ đồng; lần lượt gấp 3 và 6,7 lần năm 2020. 
 
Đơn vị: tỷ đồng
 
Kế hoạch được đặt ra dựa trên việc ban lãnh đạo doanh nghiệp đánh giá trong xu hướng dịch chuyển đầu tư trên thế giới, Việt Nam đã trở thành ứng viên sáng giá, được quốc tế đánh giá là điểm đến hấp dẫn. Về mặt chính sách, Thủ tướng đã phê duyệt 19 khu kinh tế biển tổng diện tích 871.000 ha, Luật Đầu tư sửa đổi (2020) chính thức có hiệu lực cho phép Thủ tướng Chính phủ áp dụng các ưu đãi đặc biệt, chính sách hấp dẫn thu hút đầu tư.
 
Đồng thời, trong 2 tháng đầu năm, các khu công nghiệp của đơn vị đã thu hút đầu tư đạt 1,23 tỷ USD (chiếm tỷ trọng hơn 50% của cả nước). Các dự án đầu tư vào hệ thống các khu công nghiệp của KBC như Quang Châu (Bắc Giang) và Tràng Duệ (Hải Phòng) tiếp tục là những dự án công nghệ cao.
 
Dù vậy, còn rất nhiều doanh nghiệp lớn như Vingroup, Tập đoàn cao su Việt Nam, Vinamilk, Sabeco… chưa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2021. Sau năm Covid-19 thứ nhất, giới đầu tư rất muốn biết chiến lược kinh doanh của những đơn vị này trong năm nay ra sao, có những thay đổi gì.
 
Ngọc Điểm