Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) vừa có văn bản gửi Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (UpCOM: HHV) về việc tháo gỡ những bất cập về phân bổ chi phí lãi vay của dự án BOT.
Thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái về việc giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan khẩn trương xem xét vướng mắc chính sách lãi vay và hoàn thuế giá trị gia tăng của dự án BOT, Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) vừa có văn bản gửi Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả về việc tháo gỡ những bất cập về phân bổ chi phí lãi vay của dự án BOT.
 
Tại văn bản, Cục Tài chính doanh nghiệp cho rằng việc phân bổ chi phí lãi vay trong kỳ theo đề xuất của HHV nêu là phù hợp với hợp đồng BOT, hợp đồng tín dụng và các phụ lục hợp đồng của công ty đã ký với các ngân hàng tài trợ vốn. Cục Tài chính doanh nghiệp thống nhất với cơ chế tài chính về phân bổ chi phí lãi vay phù hợp với đặc thù lĩnh vực đầu tư với những đặc điểm riêng biệt liên quan đến các dự án BOT.
 
Cục Tài chính doanh nghiệp cũng cho biết hiện nay, Tổng cục Thuế đang nghiên cứu đặc thù hoạt động của doanh nghiệp dự án BOT để xem xét, bổ sung hướng dẫn về cơ chế tài chính và hạch toán việc phân bổ chi phí lãi vay vào văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật có liên qua và tình hình thực tế phát sinh của các doanh nghiệp.
 
Trước đó, thực hiện nghị quyết của đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả đã nộp hồ sơ đăng ký chuyển sàn cho cổ phiếu HHV từ đăng ký giao dịch tại sàn UPCoM sang niêm yết tại sàn HoSE.
 
Tuy nhiên, do HHV là doanh nghiệp chuyên đầu tư dự án BOT, lĩnh vực kinh doanh này có nhiều đặc thù khác so với các doanh nghiệp thông thường, cùng với các cơ chế chính sách đặc thù của dự án BOT chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể, dẫn tới việc xem xét hồ sơ niêm yết của HHV bị kéo dài. 
 
Tại đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2021 của HHV vừa được tổ chức đầu tháng 11, công ty cũng đã thông tin lộ trình kế hoạch cho các cổ đông là sau khi các vướng mắc về chính sách được tháo gỡ, các quy định mới được ban hành thì HHV sẽ tiếp tục làm việc với Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM để hoàn thành thủ tục niêm yết cổ phiếu HHV lên sàn HoSE.
 
 
Bộ Tài chính gỡ khó cho các vướng mắc về cơ chế tài chính của HHV.

 
Theo ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT HHV, việc niêm yết trên UPCoM đã đảm bảo điều kiện huy động vốn để đầu tư và phát triển dự án, tuy nhiên để tăng tính thanh khoản và thuận lợi thu hút nhà đầu tư đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài thì việc chuyển sàn HoSE sẽ được thực hiện tại thời điểm phù hợp phục vụ lợi ích cho hơn 25.000 cổ đông và đảm bảo tuân thủ theo quy định của pháp luật hiện hành.
 
Trước đó, trong văn bản gửi đến Cục Tài chính doanh nghiệp, HHV cho biết trong quá trình hoạt động, công ty đã gặp một số khó khăn nhất định, một trong những vấn đề liên quan đến hạch toán chi phí lãi vay của dự án trong giai đoạn vận hành.
 
"Hiện tại, với những chuẩn mực kế toán và hướng dẫn đã được Bộ Tài chính ban hành, công ty nhận thấy vẫn chưa có một hướng dẫn cụ thể về cơ chế tài chính và hạch toán các nghiệp vụ phát sinh phù hợp với đặc điểm riêng biệt liên dự án BOT", văn bản của HHV nêu rõ.
 
Theo HHV, hoạt động của dự án BOT có đặc thù là tổng vốn đầu tư lớn, trong đó chủ đến các quan yếu là nguồn vốn vay nên khoản chi phí lãi vay các năm đầu thường rất cao (do số dư nợ tính lãi còn rất lớn), các năm sau số dư nợ tính lãi vay giảm dần dẫn đến chi phí lãi vay giảm theo; ngược lại doanh thu các năm đầu lại rất thấp, càng về sau doanh thu càng cao.
 
HHV cho rằng nếu hạch toán chi phí lãi vay theo quy định tài chính doanh nghiệp chung sẽ dẫn tới kết quả kinh doanh tại các đơn vị dự án trong những năm đầu là khoản lỗ hàng trăm tỷ và lợi nhuận rất cao vào những năm cuối dự án, điều này không phù hợp với bản chất của dự án BOT đó là nhà đầu tư được đảm bảo lợi nhuận hàng năm theo tỷ suất sinh lời trong suốt vòng đời dự án (được cam kết tại hợp đồng BOT).
 
Chí Bình