Năm 2022, BSR đặt mục tiêu doanh thu cả năm của công ty mẹ là 91.411 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.401 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ trong quý 1, BSR đã đạt doanh thu 35.471 tỷ đồng (đạt 39% kế hoạch năm) và lợi nhuận sau thuế 2.029 tỷ đồng (vượt 45% kế hoạch năm).
CTCP Lọc Hóa dầu Bình Sơn (mã BSR) vừa công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên dự kiến tổ chức vào ngày 22/4 tới.
Lợi nhuận ròng quý 1 vượt 45% mục tiêu cả năm
Theo tài liệu, năm 2022, BSR đặt mục tiêu đạt tổng doanh thu hợp nhất gần 91.678 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.295 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; giảm lần lượt 9,3% và gần 81% so với năm 2021.
Kế hoạch tài chính hợp nhất và của công ty mẹ BSR năm 2022 – Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ BSR
Về chỉ tiêu tài chính của công ty mẹ, BSR đặt kế hoạch đạt tổng doanh thu 91.411,5 tỷ đồng, lãi sau thuế gần 1.401 tỷ đồng; giảm lần lượt 9,5% và 79% so với thực hiện năm 2021. Theo BSR, kế hoạch này được lập theo phương án giá dầu là 60 USD/thùng.
Tuy nhiên, trong quý 1/2022, nhờ giá dầu thế giới liên tục tăng mạnh, thậm chí giá dầu Brent có thời điểm chạm gần mức 140 USD/thùng (ngày 7/3), đã giúp doanh thu và lợi nhuận của BSR trong quý 1 vượt xa kế hoạch.
Theo đó, trong quý 1 dù sản lượng tiêu thụ đạt 99,7% so với kế hoạch quý và thực hiện được 25% mục tiêu năm song tổng doanh thu công ty mẹ ước đạt tới 35.471 tỷ đồng, đạt 39% kế hoạch năm và vượt hơn 1.470% kế hoạch quý. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ ước tính đạt 2.029 tỷ đồng, vượt 45% mục tiêu cả năm đề ra và cũng vượt 491,5% kế hoạch quý 1.
Ước tính kết quả kinh doanh quý 1/2022 của BSR
Cũng trong tài liệu, Hội đồng quản trị BSR dự kiến trình cổ đông về kế hoạch chi trả cổ tức năm 2021. Cụ thể công ty lên phương án trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 3% (300 đồng/cổ phiếu ) cho năm 2021, tương ứng với mức dự chi trên 930 tỷ đồng. Tuy nhiên, kế hoạch trả cổ tức năm 2022 lại bỏ ngỏ.
Dự án nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất không còn khả thi
Đánh giá về khó khăn của năm 2022, BSR cho biết, ở trong nước, doanh nghiệp đang phải chịu sự cạnh tranh với xăng dầu nhập khẩu từ các nước có ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam và xăng dầu sản xuất trong nước như nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.
Năm 2022, thuế nhập khẩu xăng là 8% (so với 10% trong năm 2020 và các năm trước đó) cũng sẽ làm cho lợi nhuận thu được từ xăng và hiệu quả kinh doanh của BSR giảm.
Thêm vào đó, chất lượng sản phẩm của nhà máy tương đương với khoảng giữa Euro II và Euro III, vì vậy việc tiêu thụ sản phẩm của nhà máy Dung Quất có thể gặp khó khăn nếu sản phẩm xăng dầu lưu hành tại Việt Nam buộc phải đáp ứng tiêu chuẩn Euro IV/V (theo quyết định số 49/2011/QĐ-TTg ngày 1/9/2011: Các loại xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 5 từ ngày 1/1/2022).
Nhà máy của BSR cũng đã vận hành hơn 10 năm nên độ tin cậy và an toàn của các thiết bị, máy móc có xu hướng giảm, theo đó chi phí bảo dưỡng thường xuyên và định kỳ có xu hướng gia tăng.
Đáng chú ý, BSR đánh giá dự án nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất không còn khả thi tại thời điểm hiện nay do giá chào thầu gói thầu EPC giai đoạn 2 vượt giá gói thầu đã được phê duyệt (BSR đã có quyết định hủy thầu); không có khả năng thu xếp đủ vốn theo cơ cấu vốn chủ/vốn vay là 30/70 cho dự án do không còn bảo lãnh Chính phủ; hiệu quả tổng thể của dự án thấp (khi loại bỏ các chính sách hỗ trợ phù hợp của Chính phủ như được tính toán trong DFS trước đây) và không đáp ứng điều kiện đầu tư của PVN.
BSR cho biết, đang báo cáo cấp thẩm quyền chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án theo hướng tập trung nâng cấp chất lượng sản phẩm để đạt tiêu chuẩn chất lượng mức 5 và tăng cường sản phẩm hóa dầu (dự kiến hoàn thành vào năm 2025) đáp ứng xu thế chuyển dịch năng lượng trong tương lai.
Về khó khăn từ ngoài nước, BSR đánh giá giá dầu thô và khoảng chênh lệch giữa giá dầu thô và sản phẩm (crack margin) trên thị trường thế giới được nhận định sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó dự báo và không thuận lợi cho việc sản xuất kinh doanh của ngành lọc hoá dầu do tác động của nhiều yếu tố như chính sách năng lượng của Mỹ và nhiều nước trên thế giới có sự thay đổi nhanh và mạnh mẽ theo hướng phát triển năng lượng sạch và tiến tới phát thải CO2 bằng 0%; Chính sách trong quan hệ Mỹ – Trung Quốc và căng thẳng địa chính trị tại một số khu vực trên thế giới chưa có xu hướng hạ nhiệt.
Bên cạnh đó, việc phục hồi kinh tế của một số nước trên thế giới đã và đang có những khởi sắc nhất định, tuy nhiên cần mất nhiều thời gian để nền kinh tế thế giới có thể phục hồi đà tăng trưởng tại thời điểm trước khi dịch COVID-19 bùng phát, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ; quan điểm và mục tiêu của các thành viên OPEC/OPEC+ bắt đầu có sự khác biệt và có thể sẽ khó có sự đồng thuận tuyệt đối để đưa ra các chính sách chung trong tương lai…
Ngoài ra, công nghệ về năng lượng tái tạo ngày càng phát triển, đặc biệt là công nghệ pin xe điện cũng như nhu cầu sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường ngày càng phổ biến trên thế giới sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch đặc biệt là nhu cầu xăng, dầu.
Hoàng Hà