Kết thúc năm 2020, Bông Bạch Tuyết (BBT) lãi trước thuế gần 29 tỷ đồng, mức lãi kỷ lục từ khi kết thúc chuỗi ngày thua lỗ vào năm 2014. Khoản lỗ lũy kế được lấp dần còn 8,7 tỷ đồng, dòng tiền thuần kinh doanh cũng đảo chiều dương 8 tỷ đồng.

Bông Bạch Tuyết: Tín hiệu khởi sắc dưới thời Sài Gòn 3 Capital
 
Thương hiệu 60 năm tuổi
 
Bông Bạch Tuyết tiền thân là nhà máy Cobovina Bạch Tuyết, thành lập năm 1960, là nhà máy của tư nhân chuyên sản xuất các sản phẩm bông y tế và băng vệ sinh phụ nữ.
 
Năm 1975, nhà máy được quốc hữu hóa và đến năm 1979 đổi tên thành Xí nghiệp Quốc doanh Bông Bạch Tuyết. Năm 1992 tiếp tục đổi tên thành Công ty Bông Bạch Tuyết.
 
Giai đoạn này Bông Bạch Tuyết đẩy mạnh nhập khẩu dây chuyền sản xuất, cải tiến công nghệ, tung sản phẩm mới chiếm lĩnh thị trường cả nước và phát triển mạnh mẽ.
 
5 năm sau, Bông Bạch Tuyết chuyển đổi mô hình thành công ty cổ phần với vốn điều lệ 11,4 tỷ đồng, trong đó nhà nước nắm giữ 30% vốn. Mô hình hoạt động mới đưa sản phẩm bông y tế của Bông Bạch Tuyết chiếm 90% thị phần cả nước còn sản phẩm băng vệ sinh chiếm 30%. Năm 2002, Bông Bạch Tuyết tăng vốn lên 68,4 tỷ đồng bằng nguồn vốn tự tích luỹ.
 
Nhờ đà tăng trưởng ấn tượng, tháng 3/2004, Bông Bạch Tuyết đã đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Thế nhưng cũng kể từ đó, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp liên tục sa sút. Trong 4 năm từ 2005-2008, nội bộ Bông Bạch Tuyết thường xuyên xảy ra xung đột, quản lý gặp nhiều mâu thuẫn, hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả.
 
Một trong những nguyên nhân chính khiến Bông Bạch Tuyết sa lầy là do không cân đối được sản xuất và bán hàng. Doanh nghiệp đã nhập thêm máy móc đã khiến năng lực sản xuất tăng vọt, trong khi năng lực bán hàng không kịp đáp ứng. Hệ quả là, năm 2006, Bông Bạch Tuyết lỗ 8,5 tỷ đồng và năm 2007 lỗ tiếp 6,8 tỷ đồng.
 
Liên tục thua lỗ, Bông Bạch Tuyết đã buộc phải ngừng sản xuất từ tháng 7/2008. Trên thị trường, cổ phiếu cũng vì đó mà huỷ niêm yết từ tháng 8/2009. Tuy nhiên, chỉ 1 tháng sau đó Bông Bạch Tuyết đã hoạt động trở lại với hướng đi mới là tập trung vào nhóm sản phẩm chủ lực, bao gồm bông và gạc y tế.
 
Dẫu vậy, những khoản nợ vay ngân hàng vẫn cứ đeo bám khiến Bông Bạch Tuyết chưa thể có lãi. Cuối 2010, doanh nghiệp tổng kết năm với khoản lỗ gần 19 tỷ đồng, tình trạng này kéo dài cho đến hết 2013.
 
May mắn thay, kể từ năm 2014, kết quả kinh doanh của Bông Bạch Tuyết dần cải thiện, cùng với đó các khoản lỗ lũy kế được lấp dần theo thời gian (năm 2013 lỗ hơn 103 tỷ đồng)…
 
Khả quan hơn khi về tay chủ mới
 
Năm 2020, Bông Bạch Tuyết nhận được nhiều sự quan tâm của giới tài chính khi thông báo đồng ý cho Công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn 3 Capital chào mua công khai 1,7 triệu cổ phiếu BBT, tương đương 17,48% lượng cổ phiếu đang lưu hành của doanh nghiệp.
 
Thời điểm này, Sài Gòn 3 Capital trực tiếp sở hữu 2,35 triệu cổ phiếu BBT (tỷ lệ 24% vốn), còn công ty con là Chứng khoán Thành Công sở hữu 9,53% vốn của Bông Bạch Tuyết.
 
Động thái kể trên của Bông Bạch Tuyết đã mở đường cho nhóm Sài Gòn 3 Capital trở thành ông chủ mới của doanh nghiệp với tỷ lệ sở hữu trên 51% vốn. Sau đó, Sài Gòn 3 Capital bắt đầu gom cổ phiếu BBT từ ngày 14/10-12/11 với mức giá khoảng 19.000 đồng/cổ phiếu, xấp xỉ thị giá lúc bấy giờ.
 
Cuối tháng 11/2020, Sài Gòn 3 Capital thông báo đã mua vào gần 1,64 triệu cổ phiếu BBT, mặc dù chưa đạt kỳ vọng, song con số này vẫn vừa đủ để nhóm Sài Gòn 3 Capital nắm quyền kiểm soát Bông Bạch Tuyết. Mặt khác, vị trí cổ đông lớn thứ 2 của Bông Bạch Tuyến vẫn thuộc về Dệt may Gia Định với tỷ lệ sở hữu 35% vốn.
 
Về tình hình kinh doanh, kết thúc năm đầu tiên về tay chủ mới, Bông Bạch Tuyết ghi nhận doanh thu thuần hơn 144,7 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ 2019. Do giá vốn tăng nhanh, biên lợi nhuận gộp giảm nhẹ từ 64,7% xuống 59,4%.
 
Biến động cùng chiều với doanh số, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp của Bông Bạch Tuyết cũng phình to từ 21,5 tỷ đồng lên 34,7 tỷ đồng.
 
Cộng với khoản thu nhập khác 5,1 tỷ đồng phát sinh trong kỳ từ các xử lý các khoản nợ tồn lâu, doanh nghiệp có lãi trước thuế 28,9 tỷ đồng, tăng 32,5% so với thực đạt năm 2019. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 3.284 đồng, tăng 29%.
 
Cùng với đó, dòng tiền thuần kinh doanh lúc này của Bông Bạch Tuyết đã đảo chiều từ âm 4,7 tỷ đồng lên hơn 8 tỷ đồng, cũng cho thấy sự cải thiện rõ rệt của hoạt động kinh doanh.
 
Tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản của Bông Bạch Tuyết đạt 167 tỷ đồng, tăng 68% so với đầu năm. Trong đó, tiền nhản rỗi chiếm 47,5 tỷ đồng (tăng gần 6 lần); hàng tồn kho chiếm 24,4 tỷ đồng (giảm nhẹ 1%); tài sản cố định hữu hình là 50 tỷ đồng (tăng gần 2 lần)…
 
Doanh nghiệp cũng phát sinh khoản đầu tư cổ phiếu hơn 6 tỷ đồng trong năm, chủ yếu tại Công ty Cổ phần Pin ắc quy miền Nam (HoSE: PAC) với giá gốc 5,8 tỷ đồng.
 
Ở phía nguồn vốn, tổng nợ phải trả giảm 23% xuống còn 43,1 tỷ đồng; trong khi đó vốn chủ sở hữu tăng gần 3 lần lên 123,8 tỷ đồng nhờ hoạt động tăng vốn điều lệ. Lỗ lũy kế của Bông Bạch Tuyết lúc này còn 8,7 tỷ đồng (cùng kỳ là 34,3 tỷ đồng).
 
Trên thị trường, kết phiên giao dịch 12/4, cổ phiếu BBT tăng 600 đồng lên 19.400 đồng/cổ phiếu.
 
Việt Anh