Vào cuối năm ngoái, Thaiholdings có giá trị vốn hoá lên tới 100.000 tỷ đồng, là một trong những tập đoàn tư nhân hàng đầu Việt Nam xét theo chỉ tiêu này.
ThaiGroup đóng vai trò quan trọng trong quá trình tăng vốn của Thaiholdings. Ảnh: THD
HĐQT CTCP Thaiholdings (HNX: THD) ngày 9/9/2022 vừa có Nghị quyết về việc triển khai phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần. Theo đó, doanh nghiệp này sẽ phát hành 35 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 10:1.
Nội dung trên đã được ĐHĐCĐ thường niên vào ngày 29/4/2022 thông qua. Cũng tại ĐHĐCĐ thường niên, một tờ trình khác cũng được thông qua là dừng phương án tăng vốn điều lệ lên 6.800 tỷ đồng. Dù vậy, với mức vốn hiện lên tới 3.500 tỷ, đi cùng giá trị vốn hoá gần 19.000 tỷ đồng, Thaiholdings vẫn là doanh nghiệp lớn bậc nhất trên sàn HNX.
Quá trình nổi lên nhanh chóng của pháp nhân thuộc hệ sinh thái "bầu" Thuỵ, bởi vậy là chủ đề nhận được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư, nếu biết rằng chỉ vài năm trước, THD mới chỉ có vốn điều lệ 136,9 tỷ đồng.
Thaiholdings được thành lập tháng 3/2011, tiền thân là CTCP Đầu tư và Phát triển Kinh Thành. Đến tháng 9/2016, theo định hướng phát triển mới, công ty đổi tên thành Thaiholdings, đồng thời chuyển đổi sang mô hình holdings và nhanh chóng tăng vốn để thực hiện các thương vụ M&A, hợp tác kinh doanh.
Theo đó, Thaiholdings trong năm 2019 đã thực hiện tăng vốn từ 136,9 tỷ đồng lên 539 tỷ đồng (từ vốn góp tiền còn thiếu và phát hành thêm 15 triệu cổ phần), với mục tiêu mua cổ phần của các doanh nghiệp cùng nhóm; cụ thể, mua 1,19 triệu cổ phần CTCP Du lịch Kim Liên, tương đương 17,2% vốn, với giá mua 305.100 đồng/CP từ các cá nhân, và 14,2 triệu cổ phần CTCP Tôn Đản Hà Nội, tỷ lệ 19,52%, giá mua 20.000 đồng/CP từ chính ThaiGroup.
Đầu năm 2021, Thaiholdings tiếp tục tăng vốn thành công lên 3.500 tỷ đồng thông qua chào bán 296,1 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu, giá chào bán 10.000 đồng/CP. Nguồn tiền huy động để mua 81,6% vốn ThaiGroup từ 9 cá nhân.
Cần phải nhấn mạnh rằng, bên bán trong các thương vụ M&A kể trên đều là những cá nhân “quen mặt” với Thaiholdings. Cụ thể, 5 cá nhân bán cổ phần ThaiGroup là các ông Nguyễn Đức Thụy (“bầu” Thụy), Trịnh Văn Hải, Trịnh Văn Quynh, Nguyễn Văn Tân, Nguyễn Cao Cương đều nằm trong danh sách cổ đông Thaiholdings từ năm 2019. Trong khi đó, 3 cá nhân Trịnh Thị Hoàng Phương, Nguyễn Văn Hà, Đinh Duy Quỳnh là những cái tên trong danh sách cổ đông chuyển nhượng 17,2% vốn Kim Liên cho chính Thaiholdings (đề cập ở phần trên).
Kịch bản kể trên đã có thể tiếp tục lặp lại trong năm 2021 khi các cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 đã chấp thuận phương án tăng vốn lên 6.800 tỷ đồng thông qua chào bán cổ phiếu. Nguồn tiền thu về, Thaiholdings cho biết dự kiến chi 1.350 tỷ đồng để mua nốt 18% vốn của ThaiGroup. Bên cạnh đó, Thaiholdings còn dự kiến mua 69,35% vốn CTCP Thailand từ cựu Chủ tịch HĐQT Nguyễn Chí Kiên, “bầu” Thụy và anh em ông là ông Nguyễn Văn Thuyết, Nguyễn Xuân Thủy.
Tuy vậy, kế hoạch tăng vốn này đã được rút lại với lý do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Các giao dịch M&A từ chính những nhà đầu tư có liên hệ trong nhóm “bầu” Thụy đã giúp ThaiGroup thành công trong việc đưa các tài sản lên sàn chứng khoán thông qua Thaiholdings, mà không phải tuân thủ các quy định chặt chẽ như niêm yết cổ phiếu mới. Cùng với đó, bản thân Thaiholdings đã tăng mạnh vốn lên 3.500 tỷ đồng, tức tăng gấp hơn 25 lần trong vỏn vẹn 2 năm, và mở ra cơ hội lớn để huy động vốn trên sàn chứng khoán.
Những giao dịch mua lại công ty/chuyển nhượng dự án cũng đã giúp các chỉ số trên BCTC Thaiholdings trở nên rất đẹp khi quy mô tài sản, lợi nhuận tăng mạnh theo cấp số nhân, và phần nào tạo hiệu ứng tích cực đối với cổ phiếu THD.
Kết thúc năm 2020, tức sau hơn nửa năm lên sàn chứng khoán, cổ phiếu THD đạt 115.000 đồng/CP tại phiên 31/12/2020, tăng 26 lần so với thời điểm chào sàn (phiên 19/6/2020).
Sang năm 2021, THD gây ấn tượng không kém khi đạt đỉnh 277.000 đồng/CP, tăng gấp 2,4 lần trong năm, đồng thời lọt rổ chỉ số của nhiều quỹ ngoại như: MSCI Frontier Market Index – chỉ số tham chiếu cho quỹ MSCI Frontier Markets Index ETF; MVIS Vietnam Index – chỉ số tham chiếu của quỹ Vaneck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF)…. Điều này cũng phần nào giúp mã cổ phiếu này trở nên hấp dẫn hơn trong mắt giới đầu tư.
Vốn hoá của THD ở vùng đỉnh cuối năm 2021 lên tới gần 100.000 tỷ đồng, tương đương các tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu đang niêm yết trên sàn chứng khoán.
Tuy nhiên, ngay sau khi đạt đỉnh, THD đã chứng kiến đà lao dốc không phanh, giảm tới 86% về vùng đáy 39.000 đồng/CP vào giữa tháng 6/2022, trước khi hồi phục về vùng 56.000 đồng/CP hiện nay.
Cũng trong nửa đầu tháng 6/2022, khi thị giá THD đang ở đáy, "bầu" Thuỵ đã thực hiện thoái toàn bộ 87,4 triệu cổ phần, tương đương 24,97% vốn Thaiholdings theo hình thức thoả thuận, tổng giá trị giao dịch khoảng 3.150 tỷ đồng. Diễn biến này theo quan sát của giới đầu tư chỉ là động thái tái cơ cấu nội bộ của nhóm chủ Thaiholdings.
Trước thời điểm “bầu” Thụy thoái vốn, tính đến tháng 3/2022, ông là cổ đông lớn duy nhất khi nắm 24,97% vốn công ty, phần 75,03% còn lại là các cổ đông khác. Dù vậy, dữ liệu cho thấy cơ cấu cổ đông Thaiholdings khá cô đặc. Điều này thể hiện rõ thông qua số lượng và tỷ lệ cơ cấu cổ đông tham gia tại các cuộc ĐHĐCĐ thường niên năm 2020, 2021 và 2022.
Cụ thể, ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 ghi nhận 17 cá nhân tham gia với tỷ lệ 85,57% trên tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của Thaiholdings. Sang ĐHĐCĐ năm 2021, doanh nghiệp ghi nhận 25 cổ đông tham dự, tỷ lệ 91,29%. Thậm chí, ĐHĐCĐ năm 2022 còn “cô đặc” hơn nữa với chỉ 17 cổ đông tham gia, nhưng đại diện cho đến 94,91% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của Thaiholdings.
Kể từ khi thâu tóm ThaiGroup trong năm 2020, các chỉ số tài chính của Thaiholdings đều tăng rất mạnh.
Lợi nhuận lớn từ những thương vụ mua bán doanh nghiệp
6 tháng đầu năm 2022, Thaiholdings đạt lợi nhuận sau thuế 217 tỷ đồng, một phần không nhỏ đến từ khoản doanh thu hoạt động tài chính 233 tỷ đồng, nhờ lãi bán các khoản đầu tư tại CTCP Đầu tư Thaihomes, CTCP Tôn Đản Hà Nội và Công ty TNHH Đầu tư Thuỷ điện Quảng Nam.
Kể từ khi lên sàn tới nay, một tỷ lệ lớn nguồn lợi nhuận của Thaiholdings đến từ mua bán dự án, cổ phần doanh nghiệp.
Cụ thể, trong năm 2021, Thaiholdings hoàn tất bán dự án nhà máy xi măng Minh Tâm (Bình Phước) cho CTCP Xi măng Xuân Thành Bình Phước với giá trị chuyển nhượng 680 tỷ đồng, thu về lợi nhuận 571,4 tỷ đồng. Trong năm 2020, Thaiholdings cũng đã bán dự án Nhà máy xi măng Thạnh Mỹ với giá 1.194,4 tỷ đồng và thu về lợi nhuận 1.124,4 tỷ đồng.
Ngày 4/8/2021, Thaiholdings đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sạn tại dự án Apatit Lào Cai với giá 185 tỷ đồng cho Công ty TNHH Anh Nhẫn Lào Cai.
Ngày 2/2/2021, Thaigroup – công ty con của Thaiholdings mua lại 97,81% vốn góp tại Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Thành Long với giá gốc 276,4 tỷ đồng. Ngày 25/10/2021, Thaigroup chuyển nhượng phần vốn này và ghi nhận khoản lãi 27 tỷ đồng.
Trong năm ngoái, Thaigroup cũng đã mua 38,8 triệu cổ phần, tương đương 19,5% cổ phần CTCP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Cường Thịnh Thi, sau đó chuyển nhượng với giá bán 508 tỷ đồng, lãi 120,2 tỷ đồng,
Ở thương vụ đáng chú ý nhất, ngày 22/4/2021, Thaigroup mua 4 triệu cổ phần, tương đương 80% vốn điều lệ của CTCP Bình Minh Group với tổng giá mua 40 tỷ đồng. Ngày 18/11/2021, Thaigroup đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần và ghi nhận lãi 806,7 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ lãi lên tới hơn 20 lần chỉ trong hơn nửa năm. Bên mua là Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Những thương vụ mua bán doanh nghiệp, dự án mang tới khoản lợi nhuận lớn cho Thaiholdings trong năm ngoái, tổng cộng lên tới 1.525,3 tỷ đồng.
Tuy nhiên tính thực chất của các thương vụ này là dấu hỏi lớn đối với thị trường và nhà đầu tư, khi bên giao dịch với Thaiholdings chủ yếu là các cá nhân/ pháp nhân cùng nhóm.
Tháng 5/2022, Thaiholdings phải hoàn trả lại toàn bộ tiền bán dự án 11A Cát Linh cho Tập đoàn Tân Hoàng Minh theo công văn của Cơ quan điều tra Bộ Công an (C03). Thaiholdings sau đó phải thực hiện điều chỉnh lại số liệu trên BCTC 2021.
HUY NGỌC