Kim ngạch xuất nhập khẩu 7 tháng đầu năm đạt 373,4 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.
Giá cước vận tải container tăng 110% so với đầu năm và 370% so với cùng kỳ trên thị trường quốc tế. 
Các cổ phiếu vận tải biển như VNA, VOS, MVN, HAH tăng giá tính bằng lần trong 8 tháng qua.
 
Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh, giá cước container tăng phi mã
 
Dưới tác động của dịch bệnh, nhu cầu vận tải biển giảm sâu nửa đầu năm 2020 nhưng đã dần phục hồi kể từ quý III trở đi và bứt phá mạnh trong nửa đầu năm 2021 khi nền kinh tế toàn cầu vực dậy trở lại. Chỉ số BDI (chỉ số thuê tàu hàng khô Baltic) sau khi về dưới 400 – vùng giá thấp nhất 5 năm vào giữa năm 2020 thì bật tăng mạnh trở lại. Tính đến đầu tháng 8, chỉ số này đạt gần 3.300, gấp 8,3 lần. Theo báo cáo của Vosco, chỉ số BDI phục hồi mạnh từ cuối quý II/2020 nhờ nền sản xuất Trung Quốc phục hồi nhanh dẫn đến nhu cầu vận chuyển các nguyên liệu thô từ Ấn Độ, Indonesia… về quốc gia này tăng cao.
 
Nguồn: TradingEconomics
 
Trong khi đó, bất chấp diễn biến dịch Covid-19, tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn sôi động. Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2020 đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm trước. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5%; nhập khẩu hàng hóa đạt 262,4 tỷ USD, tăng 3,6%. Đến 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 373,4 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu ước đạt hơn 185,3 tỷ USD, tăng gần 26%; nhập khẩu 188 tỷ USD, tăng 35,3%.
 
Theo SSI Research, sự phục hồi mạnh mẽ của các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đã giúp tổng sản lượng hàng hóa thông qua các cảng container của Việt Nam quý II tăng 30% so với mức thấp trong quý II/2020. Trong khi đó, giá cước vận tải container tăng 110% so với đầu năm và 370% so với cùng kỳ trên thị trường quốc tế; tại thị trường nội địa thì ổn định trong quý II và vẫn cao hơn khoảng 20% so với cùng kỳ. Giá cước thuê tàu container cũng tăng cao kể từ cuối năm 2020. Tính đến tháng 6, giá thuê tàu theo ngày của tàu container cỡ 1.700 TEU đã đạt 41.000 USD, gấp 4 lần thời điểm cuối năm 2020.
 
Tuy nhiên, tổ chức này lưu ý rằng ngành vận tải biển là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19 cùng sự gián đoạn chuỗi cung ứng kéo theo. Hiện nay, ảnh hưởng của dịch Covid trong đợt bùng phát thứ 4 này đã khiến một số nhà máy phải đóng cửa, gây tắc nghẽn nghiêm trọng tại các cảng như Cát Lái, tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng.
 
Trong tháng 7, dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp, lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, đặc biệt là tại TP HCM đã khiến hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 7 đang có phần chững lại. Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 7 ước đạt 55,7 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng trước. 
 
Cổ phiếu VNA, VOS, MVN, HAH tăng tính bằng lần
 
Diễn biến này giúp các doanh nghiệp vận tải biển không chỉ container mà hàng khô, hàng rời ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan nửa đầu năm, đặc biệt là quý II. Theo đó, nhiều cổ phiếu vận tải biển ghi nhận mức tăng giá gấp nhiều lần sau nhiều năm gần như đi ngang.
 
Tăng mạnh nhất phải kể đến cổ phiếu của Vận tải biển Vinaship (UPCoM: VNA), tăng từ vùng 4.000 đồng/cp lên 30.500 đồng/cp, gấp 7,5 lần trong vòng 8 tháng qua. Vận tải biển Vinaship là doanh nghiệp vận tải biển thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC, UPCoM: MVN). Đơn vị có đội tàu gồm 7 tàu chở hàng khô với tổng trọng tải khoảng 134.158 DWT, thị trường chủ yếu ở Đông Nam Á với các đơn hàng như xi măng, sắt thép, phân bón, gạo (đi Philippines), nội địa với đơn hàng chở than cho nhà máy nhiệt điện khu vực Trung, Nam Bộ…
 
Nguồn: TradingView
 
Hoạt động kinh doanh Vinaship thua lỗ giai đoạn 2015-2017, từ 2018 có lãi nhưng giảm dần. Mới đây, doanh nghiệp công bố BCTC hợp nhất quý II ghi nhận doanh thu tăng mạnh 124% lên 240 tỷ đồng doanh thu. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 66 tỷ đồng, gấp 3,7 lần quý II/2020 và lập kỷ lục trong 1 quý.
 
Lũy kế, Vinaship đạt doanh thu 387 tỷ đồng, tăng 58%; lãi ròng 69 tỷ đồng, gấp 30 lần cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch năm, công ty vượt 360% kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm. Nhờ lãi lớn quý II, lỗ lũy kế tới 30/6 là 149 tỷ đồng, giảm đáng kể so với mức 218 tỷ đồng đầu năm.
 
Không kém cạnh, cổ phiếu VOS của Vận tải biển Việt Nam (Vosco, HoSE: VOS) – một công ty thành viên khác của VIMC cũng tăng giá từ vùng 1.900 đồng/cp lên 10.600 đồng/cp tính từ đầu năm, tức tăng 5,8 lần. Tính đến cuối 2020, Vosco sở hữu đội tàu có tổng trọng tải 405.112 DWT gồm 8 tàu hàng khô và rời, 2 tàu dầu sản phẩm, 2 tàu container. Đội tàu khô, hàng rời của Vosco chủ yếu khai thác tuyến Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Trung Quốc, trong khi tàu container khai thác nội địa (Hải Phòng – TP HCM).
 
Nguồn: TradingView
 
Hoạt động kinh doanh chính của Vosco thua lỗ nhiều năm liền, doanh thu thấp hơn giá vốn dẫn đến bị lỗ gộp và thanh lý tàu trở thành cứu cánh. Song, nửa đầu năm nay, Vosco ghi nhận doanh thu giảm 17% xuống 580 tỷ đồng, giá vốn giảm mạnh hơn nên có lãi gộp 102 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh thu tài chính đột biến từ 5 lên 101 tỷ đồng từ lãi bán các khoản đầu tư giúp lãi sau thuế đạt 222 tỷ đồng, cải thiện so với con số lỗ 118 tỷ cùng kỳ năm trước.
 
Với sự bứt phá ở mảng dịch vụ vận tải, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC, UPCoM: MVN) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan nửa đầu năm. Cụ thể, quý II, doanh thu đạt 3.410 tỷ đồng, tăng 33%; lãi ròng gấp 6 lần lên 375 tỷ đồng. Lũy kế nửa đầu năm, doanh thu tăng 22% lên 6.040 tỷ đồng; lãi ròng gấp 26,8 lần lên 686 tỷ đồng.
 
Dịch vụ cảng biển vẫn đóng góp doanh thu lớn nhất cho VIMC quý II nhưng chỉ tăng 13,5% trong khi doanh thu mảng dịch vụ vận tải đột biến từ 228 tỷ đồng lên 939 tỷ đồng, gấp 4,1 lần. Đồng thời, mảng dịch vụ vận tải mang về lợi nhuận gộp 241 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với con số lỗ 359 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng, doanh thu dịch vụ vận tải 1.629 tỷ đồng, tăng 63%; lãi gộp 254 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ gộp 89 tỷ đồng.
 
Trước diễn biến hoạt động kinh doanh thuận lợi, cổ phiếu MVN đã tăng giá từ vùng 9.500 đồng/cp đầu năm lên 39.500 đồng/cp, tức gấp 4,2 lần.
 
Nguồn: TradingView
 
Cổ phiếu HAH của Vận tải và Xếp dỡ Hải An tăng từ vùng 17.300 đồng/cp lên 55.600 đồng/cp, gấp 3,2 lần. Doanh nghiệp báo cáo doanh thu quý II đạt 449 tỷ đồng, tăng 71%; lãi sau thuế 98 tỷ đồng, gấp 2,5 lần quý II/2020. Đơn vị cho biết, vào tháng 4, đã đầu tư thêm 2 tàu mới là Haian East và Haian West đã giúp sản lượng đội tàu tăng lên. Giá cước vận tải biển cũng tăng giúp lợi nhuận từ đội tàu tăng mạnh. Bên cạnh đó, sản lượng hoạt động khai thác cảng và depot cũng tăng nhờ đội tàu đem lại.
 
Nửa đầu năm, doanh thu tăng 49% và lợi nhuận gấp 2,6 lần lên 808 tỷ và 183 tỷ đồng. Mảng khai thác cảng đóng góp 26% lợi nhuận gộp và khai thác đội tàu đóng góp 62%.
 
Tính đến nay, doanh nghiệp vận tải này đang sở hữu 8 tàu với tổng sức chứa lên đến 11.000 TEU. HĐQT doanh nghiệp vừa phê duyệt phương án đóng mới tàu chuyên chở container (1.800 TEU) tại Trung Quốc. Tàu được thiết kế với chiều dài là 172 m, chiều rộng 28,4 m và chiều chìm 14,5 m. 
 
Nguồn: TradingView
 
Ngọc Điểm